Để kinh tế số đóng góp nhiều hơn vào GDP
Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, trở thành đặc trưng, xu hướng và mục tiêu phát triển quan trọng của nền kinh tế đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của kinh tế số, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số đạt 30%. Theo thông tin của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022, 2023.
Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2023 ước đạt 12,33%. Các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Một số ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm cao nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số như: Thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trung bình các năm từ 2020-2023 ước chiếm khoảng 4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Đó là: Sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại “công nghệ số” nên việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, xã hội trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Kinh tế số càng phát triển sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế khác phát triển theo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là một nền kinh tế năng động với hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) tư nhân, dân số hơn 100 triệu người và đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Chính phủ đang tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, do đó phát triển kinh tế số là tất yếu. Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta còn yếu; việc kiểm soát và đo lường các hoạt động kinh tế số trong từng ngành kinh tế gặp khó khăn… Do đó, theo ông Hiếu, cần phải giải quyết những vấn đề trên để ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời có đầu tư, có thu hút của các ngành công nghệ thông tin thì sẽ tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GDP…
Đồng quan điểm, GS.TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cũng cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN và người dân, trong đó chú trọng vào hạ tầng an toàn an ninh mạng. Bên cạnh đó là hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, gia tăng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nêu ra giải pháp cụ thể cho các ngành sản xuất công nghệ số: Cách tốt nhất vẫn là phát triển công nghệ, tạo giá trị gia tăng nhiều trên chính sản phẩm của chúng ta. Hoặc là công nghệ của chúng ta phát triển, hoặc chúng ta có sản phẩm mới dựa trên công nghệ của nước khác để chúng ta chia sẻ lại chi phí cho họ, đấy mới là tạo ra không gian phát triển mới. Hiện nay chúng ta đang nặng về sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới mà chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô. Do đó, chúng ta cần làm những sản phẩm trí tuệ, chất xám và những sản phẩm có thể xuất khẩu và thu được giá trị, đấy mới là động lực tăng trưởng bền vững.