Chạy đua cùng con vào lớp 1
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, các em nhỏ sinh năm 2018 sẽ chính thức bước vào lớp 1. Thời gian này, nhiều gia đình đã tìm các lớp tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức Toán, tiếng Anh, tiếng Việt cho con.
Lo lắng từ phía phụ huynh
Gia đình chị Trần Thị Bình (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1. Cũng như con gái đầu, đứa thứ hai chị tiếp tục cho con học tiền tiểu học. Chị Bình chia sẻ: Tôi muốn cho con vào học lớp 1 của Trường Tiểu học Hoàng Mai. Đây là trường có số lượng học sinh đăng ký khá đông. Mọi năm nhà trường phải tổ chức thi tuyển đầu vào vì số lượng hồ sơ lớn.
Tôi khá lo lắng nên đã cho con tham gia lớp tiền tiểu học để luyện viết chữ, học tiếng Anh, Toán... từ khi con 5 tuổi. Nếu con không ôn luyện trước thì vào lớp 1, con có “lắp mô tơ” cũng đuổi không kịp các bạn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, lớp tiền tiểu học cần thiết để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 nhưng không phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt kiến thức mà là để chuẩn bị cho con về mặt kỹ năng xã hội, cảm xúc và tâm lý trước khi bước sang một môi trường mới.
Ngay từ khi con trai lên 5 tuổi, chị Đỗ Thị Luân (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xác định, việc chọn trường, lớp cho con là không dễ. Dù tháng 9 năm nay con mới vào lớp 1, nhưng từ trước Tết, chị Luân đã tìm hiểu các lớp tiền tiểu học cho con.
“Tôi nghe nói, hiện nay, chương trình mới rất nhanh và khó. Nếu con vào lớp 1 chưa biết viết, đọc sẽ rất khó để theo kịp các bạn”, chị Luân cho hay.
Nhu cầu của phụ huynh lớn, các lớp tiền tiểu học cũng vì thế mà mọc lên nhiều hơn. Chỉ cần gõ từ khóa “lớp tiền tiểu học” trên mạng xã hội là hiện ra hàng loạt các cô giáo tiểu học thông báo “mở lớp”.
Theo một giáo viên đang dạy tiền tiểu học tại quận Hoàng Mai, Hà Nội: Trong lớp tiền tiểu học, cô giáo sẽ hướng dẫn trẻ tư thế ngồi, cách để vở, cách cầm bút đúng, chuẩn; Học cách trình bày và viết trên vở ô li; Luyện viết nét và ứng dụng viết chữ; Học phát âm đúng chuẩn bảng chữ cái tiếng Việt; Hỗ trợ chữa ngọng chữ cái, vần đơn giản; Học viết chữ cái, chữ số, tính toán cơ bản trong phạm vi 10; Biết đọc ghép vần đơn giản...
Thông thường, một khóa tiền tiểu học kéo dài trong khoảng 30 - 40 buổi, giá một buổi học dao động từ 80 - 100 nghìn đồng. Ngoài ra, các lớp học riêng biệt về luyện chữ, Toán, tiếng Anh... cũng được nhiều giáo viên mở ra. Học phí tương đương như trên, từ 80 - 100 nghìn đồng/một buổi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, phụ huynh không cần đưa con đến các lò luyện thi tiền lớp 1. Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, tốt nhất là ông bà, bố mẹ hãy tập trung luyện ăn, luyện ngủ cho con, cho cháu.
Ngay trong cuộc đua đầy căng thẳng vào Trường Marie Curie hàng năm, nhà trường cũng không kiểm tra, không đánh giá kiến thức và kỹ năng môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh mà chú trọng khả năng tập trung trong giờ học, tự tin và hợp tác với giáo viên; tự lực và có nếp ăn, nếp ngủ tốt; có năng khiếu, năng động và tính đồng đội trong hoạt động tập thể. Đây đều là những tố chất cần được bố mẹ rèn luyện, hướng dẫn con mỗi ngày, không khóa học một vài tháng nào có thể trang bị được.
Trang bị gì cho trẻ vào lớp 1?
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nhiều lần chia sẻ, lớp tiền tiểu học cần thiết để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 nhưng không phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt kiến thức và học lực.
Tiền tiểu học là chuẩn bị cho con về mặt kỹ năng xã hội, cảm xúc và tâm lý trước khi bước sang một môi trường mới, không có sự chú ý thường xuyên của người thân và các thầy cô như ở môi trường mẫu giáo. Đây là giai đoạn rèn nếp dần cho trẻ, để trẻ thích nghi chuyển từ giai đoạn “non nớt” 5 tuổi lên lớp 1.
Phụ huynh cần chuẩn bị những kỹ năng để con thích ứng với môi trường mới ở lớp 1 - độc lập hơn, yêu cầu phải làm chủ được hành vi tốt hơn, phải có khả năng tập trung chú ý, làm theo chỉ dẫn trong một khoảng thời gian đủ lâu để tiếp thu được kiến thức.
Ở mẫu giáo, mỗi lớp học khoảng 20 - 25 trẻ với 2 - 3 giáo viên quan sát và chăm sóc nhưng khi lên lớp 1 mọi thứ khác hoàn toàn. Một lớp học có 40 - 60 em nhưng chỉ có một giáo viên duy nhất bao quát lớp, điều này đòi hỏi trẻ phải tự lập hơn rất nhiều. Phụ huynh phải đảm bảo được cho trẻ sẵn sàng về kỹ năng, ngôn ngữ và giao tiếp.
Phụ huynh cũng cần chuẩn bị về mặt cảm xúc cho trẻ để trẻ không cảm thấy quá lo lắng, sợ hãi khi bày tỏ những mong muốn cá nhân trước tập thể, trẻ không hờn dỗi, không tự nhiên khóc lóc như ở lớp mầm non. Đặc biệt, phải dạy và rèn cho trẻ khả năng duy trì tập trung, ít nhất là trong 35 phút - thời gian một tiết của lớp 1 để trẻ có thể học tập hiệu quả...
Đồng quan điểm, cô Triệu Thị Thanh Nga - giáo viên Trường Tiểu học Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng: Việc cho con học tiền tiểu học là quan trọng, tuy nhiên cần cho con học ở mức nhẹ nhàng, phù hợp, không nặng về kiến thức. Các phụ huynh nên dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho con một số năng lực để con có thể bước vào một môi trường mới tự lập hơn.
Hãy giúp con có thể tự phục vụ; rèn luyện kỹ năng tập trung; giúp con cảm nhận được rằng đi học rất vui, các con được có thêm bạn bè, được khám phá thêm những điều mới mà ở nhà với bố mẹ các con không thể nào có được... Với những năng lực nền tảng như thế thì hành trình vào lớp 1 của con sẽ có nhiều hào hứng, động lực.
Cô Cao Thị Lệ Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Yên Sở (Hà Nội) cũng cho hay: Con vào lớp 1, không phải chỉ một mình con cần chuẩn bị tốt tâm lý, mà cả ông bà, bố mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý tốt. Các phụ huynh đừng sốt ruột nếu con viết bẩn, viết xấu, làm phép tính sai. Nguy hiểm nhất là khiến con có cảm giác rằng mình đầy khiếm khuyết. Hãy để con hiểu, con làm sai, làm xấu, mình có thể sửa và bố mẹ luôn yêu con, vui với việc học của con rất nhiều...