Hàng rào quê
Tôi sinh ra ở làng. Một vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ với cánh đồng lúa xanh bát ngát.
Đất rộng người thưa nên nhà ai cũng còn vườn trại rộng rãi. Đường tôi đến lớp là một con ngõ dài bất tận xuyên qua những làng những xóm thanh bình và êm đềm như trong cổ tích.
Ở đấy rợp mát bóng của những cây duối cổ thụ rắc những đốm quả chín vàng lên vòm lá xanh thẫm và uốn lượn bởi những hàng rào hàng dậu với đủ loại cúc tần, bìm bìm, râm bụt, ô rô, găng thậm chí cả mùng tơi xanh mướt chứ không phải những bức tường gạch xây cao vút cắm chi chít những mảnh chai hay giăng đầy dây thép gai chơm chởm như bây giờ.
Nhiều khi nghĩ lại tôi muốn gọi đấy là con đường xanh theo nhiều nghĩa. Lúc nào nó cũng rợp bóng mát, như hàng duối mỗi độ thu sang, khi chúng tôi trở lại trường học là đơm đầy những trái quả chín vàng căng tròn như những hạt ngọc.
Hàng duối này như một bức tường thành vững chắc, cao vút ngăn cản tầm nhìn của người đi đường vào một ngôi nhà to lớn cổ kính. Suốt thời đi học tôi cũng chưa một lần nhìn thấy chủ nhân của ngôi nhà ấy, chỉ nghe nói đấy là một ông già khó tính không muốn giao tiếp với người ngoài.
Con ngõ nhỏ vòng vèo mà chúng tôi ngày nào cũng lê đến mòn vẹt cả đế dép không chỉ có những “bức tường” ngăn cách như thế. Đoạn qua chỗ nhà cụ Ba còn có một hàng rào toàn cây râm bụt lúc nào cũng đơm hoa đỏ rực.
Hàng râm bụt này được cụ Ba trồng để làm tường ngăn con ngõ chung với khu vườn trồng toàn cây cảnh, vì thế hàng rào của cụ cũng giống như một thứ cây cảnh ra hoa rực rỡ. Chỉ có điều cái hàng cây cảnh ấy hay bị chúng tôi bẻ hái trộm hoa mang đến trường, cụ Ba biết thế nhưng vẫn vui lòng mà không hề quát mắng.
Thi thoảng chúng tôi lại vạch hoa lá ngó vào khu vườn có rất nhiều những chậu hoa lạ lẫm và những cái cây mang dáng vẻ của những con rồng con phượng. Hình như những cây đó đắt tiền lắm thì phải.
Đi qua một mặt ao nữa là đến cái hàng rào ô rô được cắt xén công phu của nhà bác Lộc, cái hàng cây đầy gai này qua bàn tay khéo léo của bác đã trở thành một bức tường xanh phẳng phiu vô cùng đẹp mắt.
Chỉ cần ngó qua cái bức tường xanh ấy là thấy ngay một vườn rau xanh tốt, lúc nào cũng mỡ màng với đầy đủ loại rau. Cây ô rô ken dày đến nỗi bọn gà chó chạy rông trong ngõ đành chịu đầu hàng mà không vào phá rau trong vườn được, kẻ nào có ý định đột nhập chắc hẳn sẽ được nếm mùi gai nhọn.
Tuy thế cái hàng rào xinh đẹp này lại không mấy hấp dẫn đối với chúng tôi bởi nó không có hoa có trái, nếu chỉ có ngắm nhìn không thôi thì nhanh chán lắm. Bọn tôi thích mê cái đoạn đường nhỏ qua quán bán quà vặt của cô Nhàn có trồng một dãy găng hoa tím.
Cây găng xếp thành một hàng dậu ken dày phủ rợp xuống đầu những chùm hoa tim tím. Những lúc qua đây đứa nào đứa nấy tranh thủ bẻ một cành hoa rồi mới chạy ù vào quán mua mấy viên kẹo màu xanh đỏ, miếng quế thơm cay hay túi bỏng ngô giòn rụm.
Còn một quãng nữa mới đến trường là một bờ rào cúc tần rậm rạp, nó chẳng được ai vun trồng hay cắt tỉa cả. Đây là hàng rào giữ đất, phòng kẻ gian nơi bờ ao của nhà bà cụ Thành, nó quanh năm xanh tốt lại được trang trí bởi những dây tơ hồng vàng óng ả.
Thật lạ, không hiểu cái dây tơ hồng ấy đến từ đâu, nó chỉ làm bạn thân thiết với đám cúc tần mà không quấn lấy những loài cây khác. Bọn tôi ít khi chú ý đến cây cúc tần mà chỉ thường hay lấy những đùm dây tơ óng mượt, cuộn tròn lại thành trái bóng đá chơi trên đường tới lớp.
Tôi nghe mẹ nói cụ Thành trồng dậu cúc tần vì người già hay đau lưng mỏi gối, trái nắng trở trời đều cần đến bài thuốc cúc tần rang cùng cám gạo đánh gió hay chườm nóng đều rất công hiệu. Thế là dậu cúc tần ấy trở nên vô cùng có ích cho rất nhiều người trong xóm.
Trên con ngõ nhỏ đến trường trải dài tưởng như bất tận ấy còn có thật nhiều những “hàng rào thân thiện với môi trường” như thế. Nào là những dây bìm bìm trải lên một mái nhà ven đường tấm thảm xanh điểm trang những nụ hoa tím ngát, nào là những bờ dậu làm từ tay rào tre phủ đầy dây mùng tơi xanh mướt có những trái tròn tím lịm, vừa làm hàng rào vừa cải thiện bữa cơm…
Tất cả đều in đậm trong tôi dấu ấn êm đềm về một con đường thơ mộng đã lùi xa vào dĩ vãng. Nó khác hẳn với những con đường nườm nượp người xe và ven đường là những bờ tường xây cao vút, kiên cố, lạnh lùng đang rất phổ biến hiện tại.
Vẫn mang tính chất giữ đất đai bờ cõi, ngăn kẻ gian, gia súc gia cầm… những những “bức tường xanh” ngày ấy đã hóa giải được những cách trở và hình như từ đấy người ta sống gần nhau hơn…