Nhiều hoạt động mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), những ngày này, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, triển lãm… đã được tổ chức. Nói như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương thì đây là dịp để công chúng yêu nghệ thuật ôn lại những bài học lịch sử giá trị của dân tộc; qua đó giáo dục thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết và phát huy tinh thần yêu nước.
Để tác phẩm mỹ thuật “kể chuyện”
Tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra Triển lãm Mỹ thuật 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm tranh, tượng của 57 tác giả, là các họa sĩ, nhà điêu khắc trên cả nước.
Các tác phẩm có đề tài về chiến tranh cách mạng, về Chiến thắng Điện Biên Phủ, về các sự kiện lịch sử, con người góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 như: "Ngày hội Chiến thắng Điện Biên" của tác giả Vũ Tiến, "Dân quân hỏa tuyến" của tác giả Đỗ Bá Quang, "Hào khí Điện Biên" của Nguyễn Xuân Thành, "Những chiến sĩ Điện Biên" của tác giả Vũ Đại Bình...
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày những tác phẩm mỹ thuật về đất nước con người, những thành tựu đổi mới của dân tộc Việt Nam như: "Phút bình yên" của Trần Thái, "Gặp gỡ" của Nông Tiến Dũng, "Xuân về biên cương" của Nguyễn Nghĩa Dậu, "Đám cưới người Thái" của Cầm Thị Xuân, "Dệt thảm" của Lò An Quang, "Nhà sàn Tây Bắc" của Lê Dương...
Đại diện Ban tổ chức cho biết, đây là những tác phẩm có giá trị về lịch sử, có chất lượng nghệ thuật cao, có nội dung, ý nghĩa sâu sắc, được tập hợp từ bộ sưu tập của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số tác phẩm của tác giả được Ban tổ chức mời tham gia. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 9/5.
Trong khi đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đang mở cửa trưng bày (tới hết ngày 15/5) triển lãm "Đường lên Điện Biên".
70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích… của 34 tác giả, sáng tác trải dài từ năm 1949 - 2009. Công chúng có thể gặp lại những tác phẩm kinh điển là bản anh hùng ca sáng ngời về tinh thần anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình như "Kết nạp Đảng ở Điện Biên" của Nguyễn Sáng, "Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng" của Lê Vinh…
Nhiều tác phẩm đã thể hiện rất sống động công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ như: "Kéo pháo vào trận địa", "Tô Vĩnh Diện chèn pháo", "Kéo pháo" của Dương Hướng Minh, "Kéo pháo Điện Biên" của Trần Đình Thọ.
Đặc biệt, chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ mà họa sĩ Tô Ngọc Vân thực hiện trước lúc hy sinh là điểm nhấn của triển lãm lần này.
Phim hoạt hình cắt giấy "Chiếc xe thồ Điện Biên"
Ngày 7/5 tới, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam cho ra mắt bộ phim hoạt hình cắt giấy "Chiếc xe thồ Điện Biên" được thực hiện bởi biên kịch Phạm Thanh Hà, biên tập Nguyễn Thu Trang, đạo diễn - họa sĩ Bùi Mạnh Quang.
Bộ phim kể về hành trình của một cậu bé cùng chiếc xe thồ hàng trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Được xe thồ đưa đi thăm chiến trường xưa, cậu bé như chứng kiến toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những điều phi thường, những kỳ tích mà quân dân ta đã tạo nên trong chiến thắng chấn động địa cầu.
Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ được lớn lên, trưởng thành trong hòa bình, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên hiểu biết và nhận thức về chiến tranh không giống các thế hệ cha anh đi trước. Bởi vậy, tìm ra cách kể chuyện lịch sử, về chiến tranh sao cho phù hợp nhận thức, tạo được hiệu quả là thử thách với các nhà làm phim.
“Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, NXB Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng hình thức và thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong số các ấn phẩm ra mắt lần này có một cuốn sách đặc biệt: "Kí họa trong chiến hào - Nhật kí chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ" của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm.
Toàn bộ phần nhật kí của họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đánh máy lại từ bản chép cuốn nhật kí năm 1954 của họa sĩ, do NXB Asia Ink cung cấp. Đây là lần đầu tiên cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam.
Cũng trong dịp này, NXB Kim Đồng đã tái bản với hình thức mới những ấn phẩm đặc sắc, khắc họa hình ảnh “người người lớp lớp” các vị tướng cầm quân tài ba, các chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến và cả những người dân bình dị góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Đó là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" - cuốn sách kể về tuổi thơ, tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại.
"Người lính Điện Biên kể chuyện" - hồi ức của nhà giáo Đỗ Ca Sơn, một người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Chuyện ở Đồi A1" của tác giả Nguyễn Tân là câu chuyện về trận đánh đồi A1 ác liệt và dai dẳng nhất suốt 38 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Phía núi bên kia" - tiểu thuyết dành cho thiếu nhi đặc sắc của nhà văn Xuân Sách, vừa thấm đẫm tình cảm gia đình, tình bè bạn, vừa hồn nhiên trong trẻo.
"Người người lớp lớp" - cuốn tiểu thuyết đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ của nhà văn Trần Dần - một bản hùng ca về những người lính Bộ đội cụ Hồ, thể hiện sức mạnh của chiến tranh Nhân dân và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
"Lá cờ chuẩn đỏ thắm" - tập truyện của nhà văn Hồ Phương không những khắc họa gương chiến đấu, hi sinh của các anh Bộ đội Cụ Hồ, mà còn là truyện kể về người dân công, về đồng bào tham gia chiến dịch nồng hậu, nghĩa tình cùng chung lòng yêu nước và quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp.
"Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1" là tập truyện ngắn của nhà văn Hữu Mai khắc họa hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, và trong những khoảnh khắc tĩnh lặng, những phút giây đời thường, họ là những con người chất phác, nhân hậu…
Phát hành bộ tem đặc biệt
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” vào ngày 5/5.Cụ thể, bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, gồm 4 mẫu tem sắp xếp và miêu tả thứ tự từ quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ. Hình ảnh trên nội dung tem được chia thành 3 cụm cảnh, gồm cụm hình chính, hình góc và hình nền.