Loay hoay ‘ghìm cương’ giá vàng
Để cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phiên đấu thầu với mục tiêu cung ứng ra thị trường khoảng 16.800 lượng vàng. Tuy nhiên, đa số các phiên đấu thầu vàng miếng gần đây đều bất thành. Vì sao đấu thầu vàng lại ế như vậy?
Bất ngờ vàng đấu thầu bị... ế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 4 phiên đấu thầu bán vàng (diễn ra vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5) nhưng chỉ duy nhất phiên 23/4 được tổ chức.
Phiên đấu thầu đầu tiên theo kế hoạch tổ chức vào ngày 22/4 nhưng do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, nên đã bị hủy. Sau phiên ngày 23/4, NHNN cũng lên kế hoạch đấu thầu phiên tiếp theo vào ngày 25/4 và 3/5 nhưng cũng không thành công.
Đáng chú ý, kết quả đấu thầu bán vàng miếng trong phiên diễn ra ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu là SJC và ACB với tổng khối lượng trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng.
Giá trúng thầu cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu (80,7 triệu đồng/lượng) là 630.000 - 640.000 đồng/lượng. Như vậy, trong tổng số 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu thầu đã bị "ế" đến 80%, tương đương 13.400 lượng vàng.
Trong khi nguồn cung vàng đang thiếu, và động thái NHNN đưa ra việc đấu thầu là để “xoa dịu” cơn khát nguồn cung vàng trên thị trường, từ đó điều hòa thị trường để dần đi vào ổn định, thì thực tế lại không được như kỳ vọng. 13.400 lượng vàng bị ế có nghĩa rằng, chỉ một lượng nhỏ kim loại quý sẽ được cung ứng ra thị trường so với mục đích ban đầu của NHNN. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường vẫn chưa thể hạ nhiệt ở thời điểm này.
Thực tế khảo sát thị trường cho thấy, sau phiên đấu thầu duy nhất diễn ra vào ngày 23/4, thị trường vàng vẫn không có dấu hiệu “giảm sốt”. Bằng chứng là, giá vàng trong suốt tuần qua vẫn giữ ở mức cao chót vót, tiếp tục giữ một khoảng cách chênh lệc khá lớn so với giá vàng thế giới.
Cụ thể, từ sau ngày 23/4 đến nay, giá vàng miếng SJC vẫn xoay quanh mức 83 – 85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Thậm chí cuối tuần qua, giá vàng miếng đã “leo” lên trên 86 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng vẫn tiếp tục neo ở mức 74 - 75 triệu đồng/lượng, hầu như không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Nêu nguyên nhân vàng đấu thầu bị ế, một số nhà đầu tư cho biết, do giá đấu thầu vàng miếng của NHNN công bố không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Đơn cử, giá phát thầu ở phiên sáng 25/4, NHNN đưa ra mức 82,76 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vàng của các đơn vị trên thị trường cùng thời điểm 1,2 triệu đồng/lượng. Hoặc như phiên 22/4, mức giá tham chiếu đặt cọc 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra xấp xỉ với giá trên thị trường lúc đó chỉ 82 triệu đồng/lượng.
Với giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng, các đơn vị tham gia đấu thầu đặt cọc, với tỷ lệ đặt cọc là 10%. Như vậy, để đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, doanh nghiệp (DN) cần đặt cọc khoảng 11,5 tỷ đồng và tổng số tiền phải thanh toán là 114,5 tỷ đồng cho một lô. 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà DN lớn bán ra trong vòng một tuần. DN sẽ cần tính toán mua giá đó thì bán cho ai, hoặc phải có đầu ra thì các DN mới tham gia đấu thầu. Chưa kể rủi ro về giá vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn.
Cần để thị trường tự điều tiết
Dường như những nỗ lực "ghìm cương" giá vàng của nhà quản lý vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Trong khi đó, mỗi ngày, thông tin về giá vàng “nhảy múa” vẫn tiếp tục được dư luận dõi theo.
Nhận định về thị trường vàng thời gian qua, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, xu hướng chung của thị trường vàng thế giới có nhiều biến động, bởi vàng trên thế giới là công cụ quản lý rủi ro và động thái sử dụng vàng vừa qua của các ngân hàng trung ương trên thế giới phản ánh những biến động do động thái địa chính trị. Còn thị trường vàng trong nước biến động chủ yếu do cung cầu, nhưng yếu tố tâm lý của thị trường cũng khá đặc thù.
Ở góc độ quản lý cung - cầu, ông Hùng cho rằng, cung trong nước có những hạn chế nhất định, do đó, khi có những biến động về tâm lý hay các công cụ đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng trở thành công cụ đầu tư, đó là lý do khiến giá vàng tăng.
Thực tế cho thấy, mỗi lần có sự can thiệp của nhà quản lý, thì giá vàng cũng có hạ nhiệt đôi chút, tuy nhiên không lâu sau, “con ngựa bất kham” lại phi nước đại. Chính bởi vậy, vấn đề quản lý thị trường này tiếp tục được đưa ra mổ xẻ.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng.
Ông Long cho rằng, trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách "đóng cửa" với hàng hóa này. Từ góc độ tổ chức, doanh nghiệp, các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng không căn cứ vào bất kỳ tiêu chí nào của thực tiễn mà đi ngược lại quy luật tự nhiên của thị trường. Điều này "bóp nghẹt" mạng lưới phân phối đã hình thành nhiều năm trên cơ sở nguyên lý cung cầu.
Còn ở góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác với giá rẻ hơn rất nhiều so với thương hiệu SJC, có thời điểm thương hiệu SJC bỏ xa giá vàng các thương hiệu khác gần 15 triệu đồng/lượng (mặc dù chất lượng đều là 4 số 9). Vô hình chung, người dân buộc phải mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Ông Long cho rằng, thời gian qua, chính sách của nhà quản lý tạo ra độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, gây bất lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Quay trở lại với câu chuyện về đấu thầu vàng, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự thay đổi về giá đấu thầu cũng như điều chỉnh khối lượng thì khó có thể thành công trong mục tiêu tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Ví dụ trong khi SJC đang mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra xoay quanh 84 triệu đồng/lượng thì giá đấu thầu khởi điểm của NHNN chỉ nên ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng. Khi đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của các DN. Cùng với đó, cần giảm khối lượng tối thiểu để đấu thầu xuống thấp hơn, còn khoảng 500 - 1.000 lượng.
Tuy nhiên, việc đấu thầu vàng suy cho cùng cũng vẫn đang là giải pháp tình thế. Điều quan trọng mà thị trường chờ đợi, cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, đó là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó 2 điểm mấu chốt là bỏ độc quyền vàng miếng SJC và nới cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu có điều kiện. Khi đó, thị trường sẽ tự điều tiết, khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được kéo lại đúng với mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Bởi theo các chuyên gia, xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới là lời giải tối ưu để thị trường theo “guồng quay” thông lệ quốc tế. Thay vì NHNN phải bán vàng ra tăng cung, sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Giá vàng lập đỉnh lịch sử mới
Ngày 4/5, giá vàng miếng SJC tăng tiếp, chỉ còn cách mốc 86 triệu đồng/lượng 100.000 đồng, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lúc gần 10h, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 85,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 3/5.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và giữ nguyên chiều bán, giao dịch tại mức 83,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 85,7 triệu đồng/lượng (bán ra).
83,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 85,7 triệu đồng/lượng là mức giá Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết, không thay đổi so với cuối ngày hôm trước.
Như vậy, giá vàng miếng SJC ngày 4/5 ở mức 85,9 triệu đồng/lượng là mức giá cao nhất từ trước đến nay, đã xô đổ mức kỷ lục cũ 85,8 triệu đồng/lượng được lập vào hôm 3/5.
T.H