Hà Nội Xanh - Những chiến binh cứu 'dòng sông chết'
Với nhiều cuộc ra quân trong hơn 1 năm hoạt động, nhóm Hà Nội Xanh đã trả lại màu xanh cho gần 100 con sông tại Hà Nội. Dự án không chỉ hướng tới một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, mà còn lan tỏa thông điệp về việc tạo nên môi trường lành mạnh, đáng sống.
Từ ý tưởng đến hành động
Nhiều năm nay, tình trạng những dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng trong lòng Hà Nội đã trở thành bài toán nan giải cho chính quyền địa phương và người dân sống xung quanh.
Trước thực trạng đó, cuối năm 2022, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Huy (sinh năm 1995) đã thành lập nhóm Hà Nội Xanh với mong muốn giúp cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp.
Nguyễn Tiến Huy cho biết: "Tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội được 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, nhận thấy mức độ ô nhiễm trên các dòng sông, kênh mương tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho mọi người, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh của TP Hà Nội..., Tôi đã bỏ công việc đang làm, cùng 3 người bạn nhen nhóm ý tưởng thành lập dự án Hà Nội Xanh, mong góp một phần nhỏ công sức để bảo vệ môi trường Thủ đô”.
Những ngày đầu thành lập, Hà Nội Xanh chỉ có 3 thành viên. Sau vài buổi hoạt động, nhóm quyết định quay video đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền và lan tỏa thông điệp về môi trường, mong muốn những hành động của mình có thể tác động đến nhận thức và hành vi của cộng đồng. Sau hơn 2 tháng, nhóm đã có gần 200 thành viên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Tất cả đều chung một tình yêu to lớn với môi trường. Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã có khoảng gần 400 thành viên.
Các thành viên của Hà Nội Xanh đều là những “chiến binh” chuyên đi dọn, vớt rác ở những con sông, con kênh, những nơi rác đang bị ùn tắc mà chưa được cơ quan chức năng xử lý. Với tần suất hoạt động một tuần 3 đến 4 buổi, tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã làm sạch được khoảng 100 "điểm đen" ở quanh khu vực TP Hà Nội.
Những buổi dọn dẹp thường bắt đầu từ 8h sáng và kéo dài trong suốt cả ngày dài. Địa điểm nhóm hướng đến thường tập trung ở những dòng sông bị ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, kênh La Khê, sông Nhuệ… Số rác sau khi được vớt sẽ được các bạn tình nguyện viên thu gom tập trung lại một chỗ để vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
Hồi sinh dòng sông "chết"
Với tiêu chí “đi đến đâu sạch đến đó”, nhóm thường thực hiện dọn vệ sinh ở từng đoạn ngắn và luôn cố gắng đảm bảo không bỏ lại dù chỉ là một cái túi nilon. Bước đầu nhóm sẽ đi khảo sát địa điểm do mọi người phản ánh hay tình nguyện viên tìm kiếm. Sau đó nhóm sẽ bàn phương án dọn dẹp ra sao, phân công ai thực hiện công đoạn nào. Mỗi buổi dọn vớt thực hiện sẽ kéo dài từ 4-5 tiếng, nếu dòng kênh nhiều rác hay quá rộng thời gian sẽ kéo dài hơn.
Phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ dưới dòng sông, dòng kênh ô nhiễm, các bạn trẻ nhóm Hà Nội Xanh hiểu rõ những rủi ro, khả năng gặp phải cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Dù vậy, công việc vẫn tiếp diễn bởi họ luôn có niềm tin, hi vọng lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi thành viên trong nhóm Hà Nội Xanh đều chủ động tiêm phòng uốn ván, đề phòng các trường hợp xấu dẫm phải kim tiêm, đồ bảo hộ thủng hoặc rách vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào.
Yến Nhi, thành viên nhóm Hà Nội Xanh, chia sẻ: Lần đầu tiên đi dọn rác ở sông, em rất sợ vì chưa bao giờ làm những công việc như vậy. Nhưng sau đó em đã có suy nghĩ khác, mình càng sợ thì càng cần cố gắng vượt qua".
Đến nay, công việc cứu những "dòng sông chết" vẫn được nhóm Hà Nội Xanh tiếp tục. Họ luôn có niềm tin, hy vọng lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng. Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2023 mà nhóm nhận được mới đây chính là phần thưởng tôn vinh những việc làm ý nghĩa, thiết thực của những bạn trẻ đang nỗ lực mang lại sự trong sạch cho những dòng sông của Thủ đô.