Giáo dục

Có nên chọn nghề chỉ vì ‘hot’?

Trần Diệp 04/05/2024 14:46

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều học sinh lao vào những ngành “hot” nhưng không biết bản thân có phù hợp hay không. Đến khi gần với nghề này, lại mông lung không biết nên tiếp tục hay dừng lại.

Chọn nghề, chọn trường theo “mốt”

Chỉ còn ít thời gian nữa là đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024. Trong thời gian suy nghĩ về ngành nghề để đăng ký nguyện vọng, thấy bạn bè bảo nhau ngành này đang “hot”, nghề kia đang “thời thượng”, Đỗ Thúy Quỳnh (18 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng nghe ngóng thông tin và quyết định đăng ký ngành Public Relations (Quan hệ công chúng).

Quỳnh chia sẻ: “Em nghe nói ngành này đang khá ‘hot’ và cơ hội việc làm cao nên em đăng xét tuyển’’.

499-202405051318241.png
Các ngành “hot” hấp dẫn nhiều thí sinh.

Một trường hợp khác, Lê An (Thanh Hóa), cũng chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và chọn trường để xét tuyển đại học. Em nghe nhiều thông tin về ngành Báo chí, đang là xu hướng lựa chọn mới của người trẻ muốn sáng tạo, nên đã chọn đăng ký ngành Báo chí (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Nói về lí do chọn ngành này, An cho biết, “do thấy học báo chí trông ‘oai’, lúc nào cũng cầm máy ảnh, lại được đi đây đó, hiểu biết rộng, tiếp xúc nhiều”.

Tình trạng học sinh đua nhau chạy theo những ngành nghề đang nổi luôn được đề cập tới mỗi khi kỳ thi tuyển sinh đại học gần kề. Nói về vấn đề này, cô Huyền Thương - Giáo viên Trường THPT Sầm Sơn, Thanh Hóa chia sẻ: Hầu hết các em chịu tác động lớn từ phía gia đình, dẫn tới không thể tự định hướng cho bản thân. Các bậc phụ huynh thường sẽ khuyên con theo học những ngành nghề đang nổi và có cơ hội việc làm cao. Các em do không xác định được đam mê của bản thân nên cũng dễ dàng đi sai hướng.

Tiêu chí để đánh giá nghề “hot” là cơ hội việc làm lớn, nhu cầu của xã hội nhiều và triển vọng phát triển. Nhưng không phải bất cứ ai lao vào nghề thời thượng cũng thành công như mong muốn. Người trẻ dường như vẫn thiếu một định hướng đầy đủ và hoàn thiện cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Nhìn vào thực tế, nhiều người trẻ có xu hướng mơ mộng về những nghề "hot", mơ mộng có một tương lai xán lạn từ nghề "hot". Vậy nên, sự lựa chọn đầu tiên của đa số học sinh cũng như các bậc phụ huynh là lao vào những trường có danh tiếng, chọn ngành, chọn nghề cũng phải điểm mặt đặt tên những ngành nghe "sang" để "nở mày nở mặt" với họ hàng, làng xóm...

Hối hận vì lựa chọn sai

Chạy theo xu thế khi không cân nhắc kỹ, nghề “hót” có phù hợp với bản thân không, có rất nhiều sinh viên khi vào đại học đã phải hối hận vì lựa chọn chóng vánh của mình. Có sinh viên đã phải bảo lưu kết quả học tập hiện tại, dành thời gian ôn tập kiến thức cũ để thi lại, thử sức với lĩnh vực khác mà bản thân cảm thấy hứng thú hơn.

499-202405051318242.png
Học sinh tìm hiểu về ngành, nghề qua Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Lê Hải My (sinh viên Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Hồi bé, mình học khá tốt tiếng Anh. Định hướng của mình sau này sẽ theo học nhóm ngành ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi lên cấp 3, mình cảm thấy việc xuất hiện trên ti vi, được làm MC, đi đây đi đó trông rất ‘ngầu’. Khi chọn xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mình không hiểu gì về các ngành nghề trường đào tạo, chỉ thấy Báo chí, Phát thanh cũng là ngành 'hot' thời điểm đó.

Mình đỗ vào trường với chuyên ngành Phát thanh Truyền hình. Lúc đầu cảm thấy khá hứng thú, nhưng sau một thời gian học thì bắt đầu cảm thấy mất định hướng. Vì bản thân mình không có năng khiếu nổi trội về phát thanh, mình còn bị chê giọng yếu và giọng địa phương. Hiện tại mình đang cảm thấy chán nản với ngành học đang theo đuổi".

Một trường hợp khác, Tuyết Nhi (19 tuổi,sinh viên ngành Quản lý xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội) bộc bạch: Mình stress mỗi khi phải nghĩ ý tưởng cho những bài tập trên lớp. Mỗi lần làm bài tập, mình phải tốn rất nhiều thời gian hơn những bạn khác, thậm chí cả ngày không làm được gì ngoài ngồi trước máy tính. Vì thực chất đây là một trong những ngành học không cần phải thi năng khiếu đầu vào của trường và điểm chuẩn xét tuyển cũng khá thấp. Mình đăng ký vào ngành này thực sự cũng vì trường nổi tiếng. Con gái như mà học Quản lý xây dựng thật sự rất vất vả.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay: Việc chạy theo ngành “hot” đem lại rất nhiều rủi ro cho sinh viên. Khi chọn ngành nghề cần phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu xã hội. Khi chọn ngành nghề, thí sinh có thể tham khảo các bài trắc nghiệm tâm lý để biết rõ hơn về sở trường, sở đoản của bản thân, lắng nghe ý kiến của những sinh viên đã và đang theo học tại trường, nghe tư vấn trực tiếp từ các trường về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm.

Ngoài ra, mỗi ngành đào tạo của các trường đại học đều công bố các môn học rất chi tiết với nội dung học cụ thể, dựa theo những nội dung này, thí sinh có thể tự tìm hiểu bản thân mình có phù hợp với ngành đó hay không. Đặc biệt, hiện nay các trường đại học cũng công bố rất rõ những vị trí việc làm ứng với các ngành học, đây cũng là căn cứ để các em biết rằng mình có yêu thích và phù hợp với công việc đó hay không.

Điều quan trọng nhất hiện tại, có lẽ chính là công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành, nghề cho học sinh cần phải được triển khai rộng khắp. Như vậy, các học sinh có thể có cái nhìn bao quát về tình hình, nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu thế việc làm hiện nay để có phương án chọn lựa phù hợp...

Trần Diệp