'Liền chị' mang quan họ đến với chiến trường
NSƯT Lệ Ngải là một trong những nghệ nhân quan họ đầu tiên của đoàn Quan họ Bắc Ninh. Bà được chọn đi phục vụ chiến trường trong Nam với nhiệm vụ đem câu hát quan họ đến tiền tuyến, làm dịu đi sự khốc liệt của bom đạn trong chiến tranh.
Đối với những người dân Kinh Bắc hoặc những ai yêu tiếng hát quan họ, chắc hẳn không lạ gì tiếng hát của “chị hai” Lệ Ngải. Bởi “chị” và NSƯT Minh Phức là hai giọng ca quan họ nổi đình đám mà đối với nghệ nhân Lê Dân (Bất Lự), bất kỳ một sáng tác mới nào cũng dành cho cặp đôi làng nhạc quan họ này.
NSƯT Lệ Ngải sinh ra ở nơi được mệnh danh là “làng văn công” của vùng đất quan họ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Thân sinh của bà là nghệ nhân quan họ Nguyễn Đức Sôi (Người thành lập Đoàn Quan họ Bắc Ninh, nay là Nhà hát quan họ Bắc Ninh). Có lẽ vì thế mà NSƯT Lệ Ngải từ sớm đã được tiếp xúc với những câu hát quan họ mượt mà, sâu sắc.
Từ bé đã bà quen với nghiệp diễn trên sân khấu. Ngay sau khi tốt nghiệp THCS vào năm 1969, NSƯT Lệ Ngải đã trở thành thế hệ liền anh, liền chị thứ 2 của đoàn Quan họ Bắc Ninh. Đến cuối năm 1970, cùng sự nhiệt huyết, xung phong của tuổi trẻ bà được Ty Văn hóa Hà Bắc chọn vào Đoàn văn công xung kích, đi phục vụ ở chiến trường ác liệt với tinh thần “mang tiếng hát át tiếng bom” để động viên bộ đội ở tiền tuyến.
Cả đoàn văn công xung kích tổng cộng 14 người lên đường Nam tiến bằng chiếc xe Gaz 57. Để tránh bị địch ném bom phục kích, đoàn xe phải “đêm đi, ngày nghỉ”, dù đi vào ban đêm xe chỉ được bật đèn gầm để tránh bị phát hiện.
Đoàn đến Quảng Bình vào đúng mùa mưa và phải tạm neo lại ở Binh trạm 14 trong vòng một tháng mới có thể tiếp tục di chuyển. Thế rồi, đoàn tiếp tục di chuyển đến Binh trạm 27. NSƯT Lệ Ngải tâm sự: “Mới đầu vào bước vào nơi chiến trường, chúng tôi chưa quen tiếng bom, năm chị em nữ trong đoàn chỉ biết ôm nhau và khóc. Dần dần được các anh bộ đội động viên, trấn an, chị em chúng tôi bắt đầu quen với việc bom dội xuống và đối mặt giữa sự sống với cái chết như một chuyện thường ngày”.
Đêm đầu tiên, bà hát ở Binh trạm 27 phục vụ các đồng chí bộ đội lái xe. Các anh ngồi im lặng chăm chú, nghe từng câu hát quan họ rồi anh nào cũng khóc. Có hôm Đoàn phục vụ hát cả ngày lẫn đêm, vì biết các anh bộ đội xa nhà, hàng ngày chỉ đối mặt với bom đạn, chết chóc cần được động viên tinh thần. Bà cùng Đoàn văn công xung kích sẵn sàng nhiệt huyết “gặp bộ đội là phục vụ, một người cũng phục vụ”.
“Có lần được vào các bệnh xá của đơn vị để biểu diễn phục vụ cho các chiến sĩ thương bệnh binh, có chiến sĩ bị gãy tay, gãy chân, có người thì bị thương ở đầu nhưng khi chúng tôi đến biểu diễn, các anh vẫn ngồi dậy nghe chúng tôi hát và diễn các vở kịch. Ngày ấy bộ đội thấy văn công thì thích lắm, vì các anh đi chiến đấu lâu ngày chưa được về nhà. Có anh bảo, suốt bao năm lái xe, chở hàng chi viện cho tiền tuyến, đã 7 - 8 năm chưa được ra Bắc, giờ lại bị thương nên khi nghe Đoàn văn công Hà Bắc đến biểu diễn chúng tôi rất xúc động, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ”, NSƯT Lệ Ngải kể lại.
Sau khoảng thời gian phục vụ ở chiến trường khốc liệt, NSƯT Lệ Ngải cùng đoàn trở về Hà Bắc, may mắn không ai gặp nguy hiểm. Tuy vậy, vì lạ khí hậu do phải sinh hoạt trong rừng, cả đoàn có 14 người mà đến 9 người bị sốt rét rừng hành hạ. Đi đến cứ điểm Binh trạm nào, đoàn cũng có người sốt rét phải ở lại bệnh xá Binh trạm đấy. Ra đến miền Bắc, cả đoàn chỉ còn lại 5 người...
NSƯT Lệ Ngải cho biết, cuộc đời của mình gắn liền với dân ca quan họ. Sau khi nghỉ hưu, ngoài đi hát bà còn là giáo viên giảng dạy trong các trường học, trường nghệ thuật ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Hiện có không ít nghệ sĩ thành danh từng là học trò của bà.