Xã hội

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tăng độ bao phủ an sinh

Khanh Lê 31/12/2023 17:13

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là “bệ đỡ”, góp phần thiết thực giảm gánh nặng chi phí cho người dân khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng. Nhất là với những bệnh nhân có bệnh nền, mắc bệnh nan y. Dù vậy theo đánh giá việc mở rộng tiến tới đảm bảo 100% dân số tham gia BHYT không ít thách thức.

Ở tuổi 71 nhưng ông Lê Thành Nam, 71 tuổi ở huyện K.rông Pắc, Đắc Lắc vẫn phải đi làm thêm ở rẫy để kiếm sống. Cuộc sống của ông vốn dĩ đã khó khăn nay càng khó hơn khi đi khám sàng lọc lao miễn phí do Tổ chức sáng kiến và cộng đồng ( CSDI) phối hợp bệnh viện Phổi Đắc Lắc ông phát hiện mình mắc bệnh lao phổi. May mắn ông được tặng thẻ BHYT từ sự tài trợ của dự án cũng nhờ có thẻ BHYT suốt quá trình điều trị bệnh lao kháng thuốc ( 6 tháng) ông không phải trả bất kỳ chi phí nào.

bhyt-bu-2023.jpg
Năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số

“Giờ tôi đã khỏi bệnh đã có thể về đi làm rẫy như trước nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục mua thẻ BHYT. Đợt rồi đi viện mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT là như thế nào?. Vì thế tôi đã mua cho mình và vận động con, cháu mình tham gia BHYT tự nguyện để nếu lúc ốm đau sẽ không phải quá lo lắng vì chi phí khám chữa bệnh.

Không được may mắn như ông Nam, bà Nguyễn Thị Nam, huyện Ba Vì (Hà Nội) phải tự trả hết khoản chi phí trong quá trình điều trị lao. Kể về hành trình chữa lao của bản thân bà Nam không khỏi buồn bã kể: Sau bao nhiêu năm phấn đấu gia đình đã vượt qua được cửa ải hộ nghèo rồi hộ cận nghèo của xã thế nhưng sau đợt điều trị lao lại đưa cả gia đình trở về với “danh hiệu” hộ cận nghèo.

“Vốn dĩ khỏe mạnh nên có cũng có chủ quan chỉ dám mua thẻ BHYT cho 2 đứa con còn hai vợ chồng không mua. Không ngờ tôi mắc bệnh lao (cả gia đình đều khỏe mạnh không ai mắc, không hiểu tôi mắc lao là do đâu? – bà Nam băn khoăn).

Cũng theo bà Nam vì không có thẻ BHYT nên trong 3 tháng điều trị lao bà tự phải trả chi phí lên đến 20 triệu đồng. Với gia đình vốn dĩ khó khăn thì đây quả là số tiền không nhỏ, chưa kể khi điều trị ổn định bệnh lao bà Nam vẫn chưa thể đi làm lại bình thường mà cần thời gian nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng. Vì thế chỉ sau một lần đi viện, gánh nặng viện phí chữa bệnh khiến kinh tế gia đình bà thêm khó khăn.

Câu chuyện bà Nam không phải hoàn cảnh cá biệt bởi theo thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội ( BHXH) Việt Nam hiện nay cả nước mới chỉ có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.

Trước đó nhận thấy vai trò của BHYT có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng thời góp phần ổn định kinh tế, xã hội ngày 7/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38 về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Theo đánh giá, sau 15 năm triển khai, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các nội dung của Chỉ thị số 38 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương.

Với tinh thần thực hiện nghiêm túc, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai Chỉ thị số 38 đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; phổ biến quán triệt nội dung của Chỉ thị tới từng đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Cụ thể về diện bao phủ BHYT: đã tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.

anhlien.jpg
Nhờ được tặng thẻ BHYT từ dự án phòng, chống lao ông Nguyễn Văn Niêm ở Hà Nội đã vượt qua được khó khăn về chi phí do mắc bệnh lao

Mặc dù đạt được kết quả trên song theo BHXH Việt Nam để tiến tới 100% dân số tham gia BHYT vẫn còn rất nhiều thách thức. Khó khăn này không chỉ ở nguồn lực, chính sách mà còn ở nhận thức của người dân về chính sách.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cũng cho rằng, chính sách BHYT có ý nghĩa và đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình đều thấy rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT, từ đó hình thành ý thức tự nguyện, tự giác tham gia. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách về BHYT tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh truyền thông theo các chuyên gia Nhà nước cần dành nguồn lực hỗ trợ cho người yếu thế khi tham gia BHYT. Lấy ví dụ từ những dự án tổ chức mình triển khaibà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình Sức khỏe An Sinh và Hỗ trợ Cộng đồng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI, hiện nay các nhóm đối tượng được hỗ trợ BHYT từ ngân sách nhà nước và địa phương còn hạn chế trong khi nhiều bệnh nhân Lao lại không nằm trong các nhóm được hỗ trợ này. Do vậy cần thiết phải có quỹ, ngân sách hỗ trợ cho các bệnh nhân này để họ có thể tiếp cận được với điều trị Lao.

bs-chauduong.jpg
Với bệnh nhân lao tấm thẻ BHYT có ý nghĩa rất lớn

Thực tế từ tháng 7/2022, việc cung cấp thuốc lao từ nguồn BHYT là một bước phát triển tích cực. Ngoài việc đảm bảo tài chính cho chương trình chống lao tại Việt Nam một cách bền vững, quy định này có một số tác động to lớn khác. Cụ thể về tác động kinh tế bằng cách cung cấp thuốc lao thông qua quỹ BHYT, gánh nặng tài chính đối với từng bệnh nhân sẽ giảm bớt. Điều này có thể giúp cải thiện sự ổn định kinh tế cho các gia đình bị ảnh hưởng vì họ sẽ không phải chịu toàn bộ chi phí thuốc men. Đảm bảo tài chính cho việc điều trị bệnh lao của bệnh nhân, khiến người bệnh yên tâm hoàn thành điều trị, phục hồi sức khỏe, quay trở lại lực lượng lao động – sản xuất góp phần vào sự ổn định kinh tế của xã hội nói chung.

“Đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ BHYT cho người khó khăn, khuyến khích các quỹ trong nước, các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ thẻ BHYT cho người khó khăn. Việc tăng cường bao phủ thẻ BHYT trong người dân sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giúp người dân có thể khám và chữa bệnh kịp thời, tiết kiệm chi phí không chỉ với bệnh lao mà còn các bệnh khác nữa”, bà Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh.

Khanh Lê