Giáo dục

Trường học hạnh phúc vừa là con đường, vừa là đích đến

Đặng Tự Ân 06/05/2024 08:55

Hạnh phúc trong học tập đòi hỏi phải biến hạnh phúc thành một phần không thể thiếu và là mục tiêu trung tâm của chính quá trình học tập. Tuy nhiên đã thành nguyên tắc: trường học hạnh phúc (THHP) phải do chính nhà trường tạo nên.

Thực tế, hạnh phúc là một phạm trù rất rộng, đa nghĩa, đa tầng và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong tâm lý học người ta coi hạnh phúc là một trạng thái tinh thần, thuộc 1 trong 6 cảm xúc cơ bản của con người. Cụ thể: cảm xúc hạnh phúc, gọi tắt là hạnh phúc là một trạng thái mà con người ta cảm thấy dễ chịu nhất với đặc trưng bởi cảm giác của sự mãn nguyện, niềm vui, sự hài lòng, yên bình hay thỏa mãn . . . cả về thể xác và tinh thần.

hp1.jpg
Học sinh tiểu học Hà Nội. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Có nhiều cách nhận biết con người đang thăng hoa hạnh phúc trong môi trường học đường. Tuy nhiên cách nhận biết qua 5 giác quan là đơn giản và dễ xác định nhất. Ví dụ, như là nhìn thấy nụ cười của giáo viên ngay từ cổng trường; nghe tiếng học trò cười vui ngoài sân trường; cảm nhận được một cái bắt tay hay cái ôm từ một người bạn; dễ chịu mùi không khí trong lành và mùi hoa thơm nơi trường học; hài lòng bởi vị ngon một bữa ăn dinh dưỡng ở trường. Chính 5 giác quan này có thể kích thích niềm vui ở trường và cải thiện trải nghiệm học tập, kết quả cũng như sức khỏe tinh thần của học sinh. Phải chăng hạnh phúc và niềm vui đã hiện diện ở môi trường học đường, mà người ta gọi, đó là một ngôi THHP.

hp2.jpg
Những tiết học thật vui. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Về bản chất, một ngôi THHP là không gian, bao gồm tập hợp các điều kiện-gọi là “Khung THHP”- cho phép các thành viên trong cộng đồng trường học thể hiện thái độ và đặc tính tích cực hỗ trợ việc học tập suốt đời, chẳng hạn như hợp tác, giao tiếp, hiểu biết, đồng cảm, động lực, sự gắn kết, tính tò mò, khả năng phục hồi và trao quyền. Một ngôi THHP nuôi dưỡng hạnh phúc cả “trong” và “cho” học tập. Hạnh phúc “trong” học tập đòi hỏi phải biến hạnh phúc thành một phần không thể thiếu và là mục tiêu trung tâm của chính quá trình học tập. Trong khi hạnh phúc “vì” học tập bao gồm việc tận dụng hạnh phúc như một phương tiện để nâng cao kinh nghiệm và kết quả học tập. Do đó, xây dựng ngôi THHP vừa là con đường và vừa là đích đến của đổi mới giáo dục tích cực. Có nghĩa là hạnh phúc của mọi thành viên trong trường sẽ được thừa hưởng và lan tỏa từ ngôi THHP do chính cộng đồng nhà trường dày công kiến tạo nên.

hp3.jpg
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Dựa trên khoa học, triết học và quy chuẩn quốc tế, theo UNESCO thừa nhận rằng: môi trường học tập hạnh phúc (Happy Schools) có thể được chia thành 4 trụ cột chính. Hay còn được gọi là khung 4P, bao gồm 33 tiêu chí phổ quát, khiến nó trở nên linh hoạt và dễ áp dụng với các hệ thống giáo dục khác nhau với các nhu cầu không giống nhau giữa các trường học và giữa các quốc gia, đó là:

P1 về Con người: vai trò của con người nhằm nâng cao mối quan hệ giữa các cá nhân, sức khỏe, thể chất và tình cảm xã hội cũng như thái độ và đặc tính tích cực của các chủ thể trong cộng đồng trường học, gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên, lãnh đạo nhà trường và cả con người trong cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

P2 về Quy trình: hướng tới việc chuyển đổi chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và hệ thống đánh giá để thúc đẩy hạnh phúc và niềm vui hàng ngày ở trường học, bao gồm thông qua các hoạt động, như trong giờ giải lao, thể thao, nghệ thuật và ngoại khóa nhằm nâng cao trải nghiệm dạy và học.

P3 về Địa điểm: ước muốn chuyển đổi cả không gian vật lý và kỹ thuật số để làm cho trường học trở thành trung tâm cộng đồng lành mạnh hơn, an toàn hơn và hòa nhập với xu thế hơn.

P4 về Nguyên tắc: nhấn mạnh tới các giá trị cơ bản gắn kết các cộng đồng trường học lại với nhau và cho phép hiện thực hóa các trụ cột P1, P2 và P3.

Vì thế, trong cách nhìn rộng hơn và mới hơn, UNESCO, coi trường học là “trung tâm của xã hội, tập hợp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ xã hội nhằm hỗ trợ hạnh phúc của cá nhân, gia đình và cộng đồng”. Do đó, với tư cách là mô hình thu nhỏ của xã hội, trường học không chỉ là nơi học tập về nhận thức (học thuật) mà còn là nơi thực hành và nơi phát triển xã hội, tình cảm, thể chất và đạo đức cho học sinh.

Bất kể vị trí hay trình độ học vấn, trường học về cơ bản có thể và phải là nơi hạnh phúc và nơi vui vẻ nhất. Do đó cần đặt hạnh phúc vào trung tâm của chính sách giáo dục ở mỗi quốc gia.

Đặng Tự Ân