Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng “cánh đồng lớn”
Hệ thống giao thông nội đồng nhỏ hẹp, chưa được bê tông hóa, bề mặt ruộng chưa bằng phẳng... là những vướng mắc trong việc triển khai mô hình “cánh đồng lớn” tại tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Đống - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Ngô Xá Đông (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong) cho biết, đơn vị có 86,77ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên cánh đồng của HTX chưa tương xứng và gây khó khăn trong việc triển khai mô hình “cánh đồng lớn”.
Theo ông Đống, đa phần các tuyến đường giao thông nội đồng trên diện tích sản xuất của HTX đến nay vẫn chưa được bê tông hóa, mặt đường nhỏ hẹp gây khó khăn trong quá trình di chuyển thực hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là vào mùa mưa.
Ông Phan Văn Tiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trung cho hay, toàn xã có 410,31ha đất sản xuất lúa 2 vụ, có 7 đơn vị HTX và 1 tổ HTX. Phần lớn, hệ thống giao thông nội đồng trên địa bàn xã đều nhỏ hẹp, chưa được bê tông hóa và chưa tương xứng với mô hình “cánh đồng lớn”.
Mô hình “cánh đồng lớn” gắn liền với việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật… trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với hệ thống giao thông như hiện tại, máy móc không thể di chuyển trực tiếp đến tất cả diện tích sản xuất lúa trên địa bàn. “Đa phần đường nhỏ hẹp, xe máy đi lại còn khó khăn. Có những chỗ cầu, cống nhỏ hẹp, xuống cấp, xe tải, máy gặt vào thu hoạch, thu mua lúa còn sợ bị sập, mắc kẹt nữa” - ông Đống cho hay.
Ông Trần Thiện Nhân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho hay, hiện nay toàn huyện có 1.900ha đất sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”. Đến nay, mô hình “cánh đồng lớn” trên địa bàn đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm, giải quyết, như: hệ thống giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng hay nhiều nơi, diện tích sản xuất của các hộ dân vẫn còn phân bổ manh mún, nhỏ lẻ.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình “cánh đồng lớn” được thực hiện tại địa phương từ năm 2016. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp thực hiện theo mô hình này.
Theo đó, các “cánh đồng lớn” được thực hiện trên diện tích từ 10ha trở lên, liền vùng, liền khoảnh, được sản xuất cùng một loại cây giống, áp dụng cùng một quy trình sản xuất… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Mô hình “cánh đồng lớn” giúp người dân dễ dàng trong việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng máy bay không người lái, máy cấy, máy gặt…; thuận tiện trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mô hình này cũng giúp người dân tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường” - bà Phương cho hay.
Bà Phương xác nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” như trên và cho biết, Trung ương, địa phương đã có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng hướng để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình “cánh đồng lớn”.
Trong đó, cơ bản, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng sẽ được thực hiện theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có nghĩa, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại sẽ do HTX và người dân đối ứng.
Đồng thời, năm 2024 các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đang đăng ký nhu cầu hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, chỉnh trang đồng ruộng để tiếp tục xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”.
“Các địa phương đang tiến hành đăng ký nhu cầu, đồng thời, vận động người dân tham gia xã hội hóa để thực hiện các nội dung trên. Thời gian tới, những khó khăn trong việc xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” nêu trên sẽ được giải quyết” - bà Phương cho hay.