Quốc tế

Mưa nhân tạo bị hoài nghi

Thanh Đức 06/05/2024 11:23

Sau gần 3 tuần yên ắng, mưa lớn lại rơi ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE). Nỗi ám ảnh chưa dứt nên công nhân thành phố này đã phải vội vã mở tất cả các nắp cống trên đường phố.

tren-16.jpg
Gây mưa nhân tạo ở Arab Saudi. Nguồn: Newscom.

Tới nay, đợt mưa gây ngập lụt kinh hoàng cho thành phố Dubai vẫn gây nhiều tranh cãi về việc mưa nhân tạo lợi hay hại. Trước đó, tối 15/4, thành phố Dubai hứng lượng mưa kỷ lục 254mm, kéo dài 48 giờ, gấp đôi lượng mưa trung bình 2 năm ở nước này. Sau đó, trận mưa tiếp diễn với vũ lượng nhỏ hơn, nhưng cũng đã gây lụt kéo dài, cuốn trôi hình ảnh hoàn hảo và hào nhoáng của thành phố 3,5 triệu dân này.

Caroline Seubert, 29 tuổi, gốc Anh, cùng chồng đến một trung tâm mua sắm ở Dubai thì trận mưa bất ngờ ập xuống. "Nước chảy qua trần nhà, làm ngập trung tâm thương mại. Chúng tôi được yêu cầu rời cơ sở này, nhưng hệ thống tàu điện tê liệt, taxi cũng dừng hoạt động. Kết cục là chúng tôi phải vật vờ qua đêm ở sảnh khu nhà” - Caroline nhớ lại.

Mưa lớn khiến Dubai ngập lụt cho thấy sự mong manh của các đô thị hiện đại, khi đã bị bê-tông hóa, khiến nước không kịp rút.

Nhưng, đó có phải là nguyên nhân duy nhất không, trong khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng chính việc chính quyền gây mưa nhân tạo đã dẫn đến thảm họa này. Sự phản ứng ngày một mạnh mẽ khiến Cơ quan Thời tiết UAE (NCM) phải lên tiếng rằng họ không có nhiệm vụ tạo mây gây mưa. Đại diện NCM khẳng định rất coi trọng sự an toàn của người dân, phi công và máy bay và không tiến hành các hoạt động này khi có hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Tiến sĩ Omar Al Yazeedi - Phó Tổng giám đốc NCM cho biết, gieo mưa nhân tạo sẽ phải nhắm vào các đám mây ở giai đoạn trước khi có mưa. Sử dụng công nghệ này trong tình huống giông bão sẽ vô ích. Nên không thể nói họ đã tạo ra trận mưa nhân tạo đem đến thảm họa cho thành phố Dubai.

Còn theo bà Friederike Otto - Đại học Hoàng gia London (Anh), mưa nhân tạo không thể tạo ra mây từ hư không. Mà nó chỉ giúp nước sẵn có trên trời ngưng tụ nhanh hơn và tạo mưa ở một số nơi nhất định. Vì vậy, trước tiên cần có độ ẩm. Nếu không có độ ẩm sẽ không có mây. Bà Friederike cảnh báo: Nếu con người tiếp tục đốt dầu, khí đốt và than đá, trái đất sẽ tiếp tục nóng lên, lượng mưa sẽ ngày càng lớn hơn và người dân sẽ tiếp tục thiệt mạng vì lũ lụt.

Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận lý giải ấy. Không ít nhà khoa học cho rằng việc sử dụng công nghệ tạo mưa nhân tạo "đứng sau" thiên tai, và cũng không thể trút tội một cách giản đơn cho những trạng thái thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên.

UAE đã bắt đầu chương trình mưa nhân tạo từ thập niên 1990, sử dụng các thành phần nguyên liệu muối để đốt hoặc thả vào mây bằng máy bay chuyên dụng. Một cách khác là sử dụng máy phóng từ mặt đất để bắn các hạt muối vào mây. Các cách làm ấy được cho là có thể tăng lượng mưa khoảng 5 - 15%; có khi còn lên đến 30%.

Sau trận mưa gây lụt khủng khiếp ở Dubai, công nghệ tạo mưa nhân tạo đã làm dấy lên tranh cãi, nhất là khi người ta nhớ lại những đợt mưa lũ diễn biến bất thường và nghiêm trọng ở một số nước khác. Tới thời điểm này, việc tạo mưa đã được tiến hành tại khoảng 50 nước. UAE nổi tiếng về chương trình tạo mây gây mưa tinh vi kể từ thập niên 1990, thực hiện khoảng 1.000 giờ bay hằng năm để tạo mưa, tăng nguồn nước, giảm bớt tình trạng khô hạn.

Trong khi đó, nhà khí tượng học Johan Jaques của Công ty Kisters - có trụ sở tại Bỉ, chuyên gia trong lĩnh vực theo dõi mưa đá và giảm thiểu thiệt hại, khẳng định hoạt động tạo mây có nhiều nguy cơ vì chưa biết hết tác động. Còn theo tạp chí Time, đợt mưa kỷ lục tại Dubai không phải là lần đầu tiên công nghệ tạo mây bị nghi ngờ, dù cơ quan chức năng luôn bác bỏ. Hồi tháng 2, nhiều người đã cáo buộc các quan chức phụ trách một chương trình thí điểm tạo mây về việc gây ra mưa giông và lũ lụt tại phía nam bang California (Mỹ). Trước đó, năm 2001, trận lũ lụt nghiêm trọng phía nam nước Anh cũng bị cho là tới từ công nghệ mưa nhân tạo.

Công nghệ mưa nhân tạo hiểu một cách đơn giản là "gieo mưa" cho một đám mây. Muốn thế, phải phun lên đó những hạt muối siêu nhỏ như bạc iodide, calcium chloride hay potassium chloride. Người ta phải dùng máy bay hoặc máy từ mặt đất bắn vào các luồng khí để đưa các chất này lên mây. Nước ngưng tụ tạo thành tinh thể băng và cuối cùng rơi xuống dưới dạng tuyết hoặc mưa. Công nghệ sử dụng gây mưa nhân tạo có thể giúp thay đổi thời tiết tại những khu vực nhất định, đồng thời làm tăng lượng mưa và giảm thiểu thiệt hại của hạn hán, giảm ô nhiễm không khí... Công nghệ này lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ, năm 1946. Tuy nhiên, tới nay đã gặp phản ứng của nhiều nơi.

Thanh Đức