Giáo dục

Cơ hội rộng mở với ngành sức khoẻ

Thu Hương 06/05/2024 11:23

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỷ lệ chọi của khối ngành sức khỏe không cao như kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin... nhưng đây là nhóm ngành tập trung nhiều thí sinh giỏi, điểm đầu vào luôn ở mức cao.

anhbaitren(1).jpg
Sinh viên ngành dược thực tập tại nhà thuốc. Ảnh minh họa: HIU.

Đa dạng phương thức xét tuyển

Hiện cả nước có 67 trường đào tạo khối ngành sức khỏe; trong đó 32 trường đào tạo ngành y khoa. Thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành này có thể tìm hiểu, nghiên cứu về phương thức xét tuyển, tổ hợp, điểm chuẩn của từng ngành, từng trường. Theo đó, để đăng ký xét tuyển vào khối ngành này, thí sinh phải đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định hàng năm tùy từng phương thức xét tuyển. Và mặt bằng chung điểm chuẩn đầu vào của khối ngành này luôn ở mức cao so với nhiều ngành khác song tùy trường, tùy ngành thí sinh đăng ký sẽ có mức điểm chuẩn khác nhau, thậm chí chênh nhau tới 4 điểm ở phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội nhìn nhận, từ thực tế những năm tuyển sinh gần đây, thí sinh muốn xét tuyển ngành y khoa và dược phải có mức điểm từ 25 trở lên. Riêng 3 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển khối ngành sức khỏe luôn ổn định; y khoa và dược từ 24 - 29 điểm, các ngành còn lại từ 19 - 24 điểm.

Về phương thức tuyển sinh, những năm trước, các trường y dược chủ yếu xét tuyển theo phương thức truyền thống (điểm thi tốt nghiệp tổ hợp B00 Toán, Hóa, Sinh) thì nay, đó không còn là phương thức xét tuyển duy nhất vào các trường này. Đơn cử, Trường ĐH Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng thêm phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; Trường ĐH Y dược Thái Bình sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hay một số trường khác sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ” cho hơn 1.000 học sinh THPT diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô đã chia sẻ các thông tin tuyển sinh ngành dược của nhà trường năm nay. Theo đó, các em có thể dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển vào ngành này với điều kiện là kết quả lớp 12 phải đạt loại giỏi. Nếu kết quả học tập lớp 12 không đạt loại giỏi, các em học sinh có thể đăng ký vào trung cấp, cao đẳng, sau đó học liên thông. Bên cạnh đó, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả kỳ tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Cơ hội việc làm rộng mở

Về cơ hội nghề nghiệp của ngành dược, TS Vân cho biết, tốt nghiệp ngành dược các em có thể làm việc tại khoa Dược của các bệnh viện; tại các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm; tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc; hoặc có thể tự mình mở công ty Dược, nhà thuốc và làm chủ đầu tư hệ thống nhà thuốc.

Dự báo về nguồn nhân lực ngành dược sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới, các chuyên gia đặc biệt lưu ý về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành dược. Hiện nay, số người có trình độ ĐH trở lên mới chỉ đạt khoảng 19%, trong đó có 1,21% tiến sĩ và 1,73 thạc sĩ dược học. Mặc dù số lượng dược sĩ được đào tạo tốt nghiệp ra trường hàng năm đều rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu của xã hội. Một phần lý do là bởi vì các dược sĩ tương lai đều muốn chọn cho mình các phòng khám hoặc nhà thuốc tư nhân ở thành phố thay vì trở về làm việc ở các bệnh viện hay cơ sở y tế tại nông thôn.

Nêu quan điểm của mình, bác sĩ Đỗ Doãn Bách (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024) chia sẻ: “Tuy ngành y có thời gian học dài so với các ngành nghề khác nhưng cơ hội việc làm của ngành là lớn. Tỉ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Các bạn học sinh lựa chọn ngành y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện nhà nước, các công ty dược phẩm”.

Bác sĩ Bách cũng dành lời khuyên cho các thí sinh khi lựa chọn ngành y, bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào, các em lựa chọn bất cứ nghề nào cũng cần phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó.

Với hơn 30 năm gắn bó với ngành y, PGS.TS Trần Danh Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, bản thân ông thời gian đầu tiên cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đến nỗi… sợ Tết vì nghèo. “Với thế hệ các bác sĩ trẻ, nhiều người cũng đang phải chật vật đối mặt những khó khăn đó. Nhưng khi đã theo nghề, làm nghề, hãy luôn lấy sứ mệnh chữa bệnh cứu người là tôn chỉ, mục tiêu, đừng vì những cái khác" - PGS Cường nhắn nhủ.

Theo Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai), các em học sinh khi lựa chọn ngành y, bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào, các em lựa chọn bất cứ nghề nào cũng cần phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó.

Thu Hương