Sức khỏe

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa hè

Đức Trân 06/05/2024 11:24

Thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Vụ việc hàng trăm người phải nhập viện, vì nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ thịt tại Đồng Nai vừa xảy ra là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

bai-chinh.jpg
Bệnh nhân nghi ngộ độc được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Long Khánh. Ảnh: BVCC.

Ngày 5/5, thông tin từ UBND TP Long Khánh cho biết, tổng số nạn nhân liên quan tới vụ việc trên đã lên tới hơn 500 người. Hiện tại, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh điều trị cho 291 người, với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt. BVĐK Cao su Đồng Nai đang điều trị 25 ca. Có 11 ca xuất viện, 114 ca chuyển viện.

Một bệnh nhi nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bệnh nhi 6 tuổi nặng nhất trong vụ ngộ độc được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), hiện tình hình sức khoẻ chưa ổn định.

Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu máu của 3 bệnh nhi nặng nhất trong vụ nghi ngộ độc cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli.

BS Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu (BVĐK quốc tế Vinmec) cho biết: Vi khuẩn E. coli là nguyên nhân phổ biến gây các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy hay còn gọi là nhiễm độc thức ăn. Theo đó, người bệnh có biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn. Biến chứng nặng xảy ra thường là do tiêu chảy nhiều mà không được bù dịch kịp thời dẫn đến trụy mạch, rối loạn tuần hoàn, suy thận... Không dừng lại tại đó, khi vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa rồi tiếp tục xâm nhập vào các mạch máu trong cơ thể làm tổn thương các tạng lân cận như tim, thận, não khiến người nhiễm E. coli có thể tử vong. Đáng lo ngại hơn, E.coli chỉ là một trong số rất nhiều những loại vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

BS Huỳnh Hoài Phương - Trung tâm Nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh) thông tin, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… Tất cả những loại vi khuẩn này đều phát triển nhanh nhất, mạnh nhất vào mùa hè.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lý giải, mùa hè thường là cao điểm xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do chuyển mùa và thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay khí hậu rất khắc nghiệt. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ gây ngộ độc.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến không bán ngay, phải luôn bảo quản ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn.

Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, cần lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh ATTP. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong trường hợp không may bị ngộ độc, nếu triệu chứng nhẹ như đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.

Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kịp thời; Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Đức Trân