Pháp luật

“2 phải và 4 không” để tránh sập bẫy tín dụng đen

Khanh Lê 06/05/2024 11:24

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Bộ Công an) cho biết, hiện nay việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động, nhưng chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ về vấn đề này.

anh-bai-duoi.jpg
Lừa đảo tín dụng đen qua mạng xã hội đang lan rộng. Ảnh: Phúc Minh.

Tín dụng đen là vay không chính thức tại các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp nhiều lần quy định này.

Để ngăn ngừa loại tội phạm này, từ năm 2019, Bộ Công an đã có chuyên đề về đấu tranh với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Từ đó, có thể thấy hiện tượng dán cột điện cho vay nặng lãi đã không còn. Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, đối tượng này đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng; thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức. Người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn.

Đáng chú ý, có nhiều trường hợp người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người lao động tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn, nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.

Theo ông Hiếu, khi mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Nếu không tỉnh táo, người lao động sẽ tự đẩy mình vào tình trạng này. Đáng chú ý, tội phạm đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo. Đối tượng sẽ truy cập vào trang mạng xã hội của người dùng, thông qua AI, sử dụng thuật toán ghép các hình ảnh lại thành video. Sau khi hack được account của người dùng sẽ dùng cuộc gọi video call để tạo sự tin tưởng, qua đó lừa đảo.

Khi hình thức tin nhắn lừa đảo không còn hiệu quả, các đối tượng đã sử dụng AI để lừa đảo bằng video call.

"Để phòng ngừa, chúng ta phải có kỹ năng nhận biết, trước hết, các cuộc gọi video call từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, mà đối tượng sẽ nói rằng do “sóng yếu”. Trước hết, không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền" - ông Hiếu nói.

Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định hiện có 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook và các hình thức kết hợp.Trong đó có 24 hình thức lừa đảo chính. Trong đó nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...

Để ngăn chặn, Bộ Công an đã đưa ra yêu cầu, đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: “2 phải 4 không” để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.

Trong đó, 2 phải là: Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội... Phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

4 không gồm: Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…

Khanh Lê