Văn hóa

Khai thác hiệu quả không gian nghệ thuật công cộng

Phạm Sỹ 06/05/2024 11:27

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã chính thức khánh thành. Đây là cây cầu đi bộ bắc ngang qua phố Trần Nhật Duật, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014.

anh-bai-tren(2).jpg
Tác phẩm “Thủy cung” - tác giả Vũ Xuân Đông trong không gian nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Nguồn: NHN.

Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên cầu đã biến không gian công cộng thành một không gian nghệ thuật hấp dẫn. Dự án được ví như gạch nối, nối giữa không gian phố cổ với không gian ngoài đê - không gian nghệ thuật Phúc Tân. Cây cầu “nghệ thuật” giống như sự khuyến khích cho người dân khi đi chơi phố cổ, có thể quá thêm một số bước chân để tiếp cận những điều mới mẻ, không gian đặc biệt bên bờ sông Hồng.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là một trong 4 họa sĩ thực hiện dự án này cho biết: “Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã tiến hành tu sửa khu nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân. Bây giờ, các tác phẩm cơ bản được làm mới lại toàn bộ. Khu vực đó hiện nay rất sạch đẹp. Tuy nhiên cần thu hút nhiều người đến hơn nữa thì khi đó tự khắc môi trường sẽ luôn giữ được. Nếu không thì đó cũng chỉ là con ngõ cụt. Khi có nhiều người tìm đến thì sẽ có những dịch vụ đi kèm phát triển cho khu vực. Khi thực hiện dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, chúng tôi rất mong muốn sẽ biến nơi đây trở thành công viên sinh thái và công viên nghệ thuật, dự án nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật chính là cầu nối, khuyến khích.

Còn theo bà Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, không gian công cộng rất cần những tác phẩm nghệ thuật để đem lại những vẻ đẹp cho đời sống tinh thần, mang lại bản sắc riêng cho thành phố.

Nghệ thuật công cộng không chỉ tạo điểm nhấn mới cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung. Đây còn là điểm đến mới thu hút du khách. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy những giá trị của các công trình nghệ thuật sau một thời gian đưa vào sử dụng lại là vấn đề được quan tâm trong thời gian qua. Ví dụ như sự xuống cấp của khu nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã từng kéo dài trong suốt thời gian dài và mới chỉ được tu sửa gần đây. Hay như trước đó là phố bích họa Phùng Hưng cũng trở thành “thảm họa” do sự xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời. Hay công trình con đường gốm sứ ven sông Hồng - một tác phẩm nghệ thuật được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Công trình này cũng đã đoạt giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Nhưng hiện nay vẫn đang chịu cảnh lở loét bong tróc.

Về vấn đề này, theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, điều quan trọng nhất để giữ gìn và phát huy hết những giá trị của nghệ thuật công cộng vẫn là chính sách.

Còn theo bà Thủy, một tác phẩm nghệ thuật làm ra cần được chăm sóc, giữ gìn, cần có kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, người ta đã luật hóa thành những nguyên tắc nhằm bảo vệ các công trình nghệ thuật công cộng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để làm tốt công tác quản lý và phát huy giá trị của không gian nghệ thuật cầu đi bộ Trần Nhật Duật, UBND quận giao UBND phường Hàng Buồm và UBND phường Phúc Tân phối hợp với Ban Duy tu các công trình Hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) quản lý và phối hợp với các nghệ sĩ duy tu, duy trì, đưa dự án vào sử dụng có hiệu quả. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách trong việc giữ gìn và phát huy, sử dụng hiệu quả các không gian sáng tạo trên địa bàn, phát huy vai trò tự quản của người dân sinh sống trong khu vực, kết hợp với công tác kiểm tra xử lý nghiêm của chính quyền địa phương đối với các hành vi vi phạm.

anh-theo-box-bai-tren.jpg

KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải duy trì những công trình công cộng này sao cho tốt nhất, bởi nó đã hiện diện trong đời sống và được cộng đồng ghi nhận. Muốn giữ gìn và phát huy giá trị của nó thì cơ quan chức năng phải vào cuộc và có những giải pháp quyết liệt hơn.

Phạm Sỹ