Điện mặt trời mái nhà: Thận trọng và chống trục lợi chính sách
Bộ Công thương đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là sản lượng điện loại hình này nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Bộ Công thương cho rằng, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.
Phát biểu tại hội thảo tham vấn kỹ thuật về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ Công thương tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đồng tình với Bộ Công thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng” khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bán điện vào lưới.
Theo đó, "giá 0 đồng" là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng.
“Tuy nhiên, nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, nên chăng chỉ ở giai đoạn 3 năm từ 2024-2027, còn sau năm 2027 cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện mà điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có thể triển khai nhanh. Bộ Công thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý”- ông Tuấn góp ý.
Về việc EVN nhận sản lượng giá 0 đồng nhưng bán lại theo giá bán điện hiện hành, ông Tuấn kiến nghị, giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Do vậy, cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn với chính sách.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, nên có các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc truyền tải điện khó khăn.
Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3 kWh được trừ 1 kWh mua điện… Những hộ có bộ lưu trữ, cho phép bán vào hệ thống điện vào giờ cao điểm 16-19 giờ chiều với giá cao hơn để khuyến khích lắp lưu trữ và hỗ trợ hệ thống.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, cần có cách xử lý sản lượng điện ghi nhận lên hệ thống nhưng không thanh toán tiền điện. Đây là tài sản phát sinh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đảm bảo các quy định tài chính của Bộ Tài chính, cho nên phải làm sao để họ quyết toán được theo các quy định tài chính.
Ngoài ra, hiện vùng sâu, vùng xa, hải đảo phải đầu tư nguồn và lưới rất tốn kém, ông Hạnh kiến nghị bổ sung cơ chế khuyến khích cho những vùng này được tận dụng phát triển nguồn điện này.
PGS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí Đại học Bách Khoa cũng ủng hộ chủ trương không có việc mua bán và thương mại ở trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong 5 năm tới.
Song bên cạnh vấn đề mua bán, thương mại hóa điện mặt trời mái nhà thì cũng cần bàn đến câu chuyện an toàn khi các công trình điện áp mái được lắp đặt. Đó là về an toàn điện, an toàn về cháy nổ, an toàn về môi trường... cần đánh giá tác động ảnh hưởng vì trước đó, sau khi lắp đặt điện mái nhà, chỉ sau một cơn mưa đá 30% số tấm pin bỏ đi, vậy việc tiêu hủy sẽ diễn ra như thế nào, ai tiêu hủy…
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nếu cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được mua bán thì sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện và vô hình trung cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách.
"Trong trường hợp không sử dụng điện quốc gia, và không sử dụng điện trên lưới quốc gia thì không giới hạn công suất. Điều này phù hợp với Quyết định 500 (quy hoạch điện VIII) và không có hoạt động mua bán điện. Dứt khoát phải như vậy, vì nếu có phát sinh hoạt động mua bán điện thì phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, có giấy phép hoạt động điện lực, và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Từ sau năm 2020 đến nay (chưa cụ thể cho từng loại hình nhà ở, cơ quan công sở hay doanh nghiệp) trên cả nước có khoảng 200 MWp hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt. Số liệu này Bộ Công thương tổng hợp từ các tỉnh (42/63 tỉnh thành) báo cáo về tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà sau 2020. Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII đề cập cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với điện mặt trời là 12.836 MW (chiếm 8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.