Sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào chiều ngày 4/5, thông tin với báo chí về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 18/1, để sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đưa các chính sách đất đai sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm ngày 1/7.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ và các địa phương đang gấp rút hoàn thiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7.
Là người từng thẩm tra Luật Đất đai năm 2024, ông Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu Chính phủ hoàn thiện xong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có thể thực hiện được từ ngày 1/7.
Ông Thịnh đánh giá việc thực hiện Luật sớm sẽ có lợi cho người dân, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc. Ví như giải quyết đất đai cho người dân trong mua bán; quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây sẽ là một trong những nhân tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế phát triển; vấn đề về tích tụ đất đai; giá đất.
“Luật là đòi hỏi từ thực tiễn, đưa ra để giải quyết các vướng mắc ngoài nhiệm vụ dẫn dắt định hướng lớn còn giải quyết vướng mắc từ thực tiễn. Do đó nếu áp dụng sớm thì càng tốt. Ngay bản thân trong trường hợp chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thì có một số nội dung được quy định trong Luật cũng có thể thực hiện được ngay, không cần phải hướng dẫn, chứ không phải tất cả các quy định đều phải chờ văn bản hướng dẫn thì mới thực hiện được” - ông Thịnh nói.
Theo ông Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), Luật Đất đai 2013 trước đây có những bất cập trong xác định giá đất, vấn đề đấu thầu. Khi đề xuất thực hiện Luật Đất đai từ ngày 1/7, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ các yếu tố để đảm bảo thực hiện Luật sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Do đó, việc thực hiện Luật sớm là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay, khơi thông các nguồn lực đất đai.