Nông nghiệp tuần hoàn - xu thế không thể đảo ngược
Những năm gần đây, nông nghiêp Việt Nam có sự thăng tiến vượt bậc. Nông sản của Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới.
Nông nghiệp xanh là một hướng tiếp cận và phương pháp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe con người. Điều quan trọng trong nông nghiệp xanh là sự cân nhắc giữa phát triển sản xuất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Nông nghiệp xanh tập trung vào sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả hơn.
Lợi ích của nông nghiệp xanh trước hết là bảo vệ môi trường và giảm tác động khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người và đa dạng sinh học, tăng cường năng suất và thu nhập nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp xanh cũng cần vượt qua nhiều thách thức, bao gồm cơ sở hạ tầng và công nghệ, nguồn lao động tri thức, chính sách hỗ trợ, không đồng bộ: Cần có sự hỗ trợ chính sách rõ ràng và khung pháp lý cho nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, còn tình trạng không đồng bộ trong chính sách, một số chính sách còn khuyến khích sử dụng hóa chất và các phương pháp truyền thống không bền vững…
Quyết định số 150 ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Theo TS Trịnh Việt Tiến - Học viện Hành chính Quốc gia, tới nay nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đó là: Chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm; người nông dân hiện vẫn còn những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất vẫn chưa được xoá bỏ, như: sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thủy sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.
“Chúng ta phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, rơm rạ... Nông dân và các hợp tác xã cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng các phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa… Đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn” - ông Hoan nói và nhấn mạnh việc Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, là vấn đề rất hệ trọng.
Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu. Hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Ông Hoan cũng cho biết giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững là đưa doanh nghiệp (DN) đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của DN, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp.
“Nông nghiệp vốn là ngành rủi ro nhiều, sinh lời ít, thu hồi vốn chậm, nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy những DN rất tâm huyết với nông nghiệp. Họ đầu tư không chỉ để làm giàu cho DN mình, mà còn chung khát vọng tạo cú hích, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa. Trách nhiệm xã hội của DN trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.