Khơi thông các dự án vành đai
Các dự án vành đai được cho là “xương sống” để đảm bảo vai trò cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua, các lãnh đạo khu vực Đông Nam Bộ đã trình bày nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và đề nghị Chính phủ có hướng chỉ đạo tháo gỡ. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, các địa phương đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án Vành đai 4. Trong đó, thống nhất thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Dù vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề về vốn đầu tư.
Trước đó, TPHCM có công văn gửi 5 địa phương liên quan đến dự án để đề nghị sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thống nhất phương án đầu tư đối với dự án. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành báo cáo khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương cho dự án và đề xuất nguồn vốn trung ương hỗ trợ. Riêng TPHCM đã chủ động đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đối với Long An. Trong khi đó, TPHCM xin tự cân đối vốn. Đại diện lãnh đạo TPHCM và tỉnh Long An cùng lo ngại, “siêu dự án” đường Vành đai 4 đi qua tỉnh Long An có chiều dài hơn 78km. Do đó, chỉ nguồn lực của tỉnh Long An thì sẽ tốn nhiều vốn và cũng quá sức ngân sách địa phương này. Do đó, cần nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ. Đồng thời, các địa phương cũng đề nghị có cơ chế, chính sách đặc thù sau khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai dự án đúng tiến độ. Bởi vì, hầu hết các địa phương đều chưa có cơ chế được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 4.
Dự án Vành đai 4 đi qua hầu hết các tỉnh Đông Nam Bộ và tỉnh Long An (thuộc Đồng bằng sông Cửu Long) với vai trò rất quan trọng để thúc đẩy liên kết vùng, đang được các địa phương khẩn trương rà soát, thống nhất phương án, hoàn thiện thủ tục để kịp trình Quốc hội vào giữa năm nay, kịp khởi công vào đầu năm 2025. Kinh nghiệm nhãn tiền cho “siêu dự án” này là bài học trực tiếp từ dự án Vành đai 3 TPHCM đang được triển khai. Dự án này đi qua địa phận 4 tỉnh, thành bao gồm Long An, Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai), mới đây gặp khó khăn rất lớn và bị chậm tiến độ do thiếu cát san lấp. UBND TPHCM từng phải đề xuất Trung ương xem xét phương án vật liệu mới để đảm bảo thay thế được tài nguyên cát xây dựng cho dự án. Đồng thời, một Tổ công tác bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ dự án Vành đai 3 cũng đã phải đến làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh để tìm giải pháp. Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cũng đã cam kết, trong năm 2024 địa phương này sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 để cung cấp nhiều hơn cho TPHCM so với cam kết 850 nghìn m3 để thực hiện dự án Vành đai 3.
Cũng như dự án Vành đai 4, Dự án Vành đai 3 TPHCM khi hoàn thành sẽ hình thành một mạng lưới đường bộ quan trọng, tăng khả năng kết nối các quận trung tâm TPHCM với khu vực ngoại ô và các tỉnh, thành lân cận. Sự hoàn thiện của dự án này không chỉ giảm thiểu áp lực giao thông cho các tuyến đường giao thông liên tỉnh huyết mạch hiện tại, mà dự kiến cũng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho các tỉnh, thành lân cận, tạo gắn kết và động lực phát triển cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dẫu vậy, bài toán nan giải đối với cả hai “siêu dự án” là nguồn vốn và nguyên vật liệu cho xây dựng dự án cần phải sớm được tháo gỡ, đi kèm với các cơ chế, chính sách đặc thù để từng địa phương chủ động hoàn thiện các dự án thành phần mà các đường vành đai đi qua.