Trọn vẹn nghĩa tình với Điện Biên
Thiếu tướng Đào Quang Cát - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Chính trị viên Đại đội E165, F312) và Đại tá Nguyễn Hữu Tài - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam là những người đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng của dân tộc.
Đặc biệt, họ chính là những chiến sĩ xung kích, dũng cảm đã từng tham gia chiến đấu, đóng góp vào chiến thắng vang dội của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài sinh năm 1929, tại Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên dưới thời Pháp thuộc và cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, tuổi thơ của ông đã phải nếm trải khó khăn, bom đạn nhưng cũng được thừa hưởng tình yêu thương dạt dào và thấm đẫm truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương.
Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, học giỏi, luôn đứng đầu lớp. Trong cao trào cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, chứng kiến anh trai xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, ông đã bí mật từ Hải Phòng lên Đông Triều tham gia nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo. Khi đó, ông mới 16 tuổi, sợ không được vào quân ngũ nên ông đã khai tăng thêm 2 tuổi. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Tiểu đội trưởng để huấn luyện anh em mới nhập ngũ. Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, ông đã tham gia nhiệm vụ canh gác, bảo vệ những nơi xung yếu nhất của TP Hải Phòng. Ông được cử đi cùng Tiểu đoàn trưởng Long Vân đưa mệnh lệnh đình chiến cho Đại đội Ký Con ở pháo đài Cát Bà không bắn vào các tàu chiến Pháp theo Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Ông từng có thời gian bảo vệ ông Trần Hoạt - Bí thư Hải Phòng (sau này là tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Những năm 1947-1949, ông công tác ở Liên khu Việt Bắc. Năm 1950, ông được chuyển về Đại đoàn 308 rồi được chuyển về Đại đoàn 312 , liên tục tham gia 8 chiến dịch (từ năm 1950-1954), trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với ông, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một dấu ấn không thể nào quên. Ông hào hứng chia sẻ: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đã tham gia chiến đấu tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Đây là trận mở màn cho chiến dịch với khí thế vô cùng hào hùng, oanh liệt. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn 312 đã giành thế làm chủ cứ điểm Him Lam. Chiến thắng mở màn rất quan trọng này đã “tiếp lửa” và lan tỏa sức mạnh, khí thế cho quân và dân ta trên tất cả mặt trận. Trong trận đánh này, tôi ấn tượng mạnh mẽ với Tiểu đội trưởng Trần Can. Anh là người đầu tiên cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng lên cứ điểm Him Lam. Tiếp đến, chúng tôi tiêu diệt cứ điểm D1, 505, 507 và khi đó Trung đoàn 209 (Sông Lô) đã bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ cơ quan chỉ huy của chúng. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn được tặng cờ thi đua”.
Thiếu tướng Đào Quang Cát, sinh năm 1932 tại Phú Thọ. Tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng gian khó khi phải xa gia đình vào Nghệ An ở cùng chú ruột. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông và gia đình chú lại phải chạy nạn về quê ngoại ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng ông đã hăng hái tham gia Việt Minh tại địa phương, trở thành Đội trưởng của Đội Thiếu niên tiền phong, liên lạc viên cho du kích xã Cẩm Nhượng. Năm 1947, sau khi thi vào học tại trường Kỹ nghệ thực hành Trung Bộ khóa Kháng chiến tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ông xung phong đi bộ đội, học trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 6 Trung Bộ (1950 - 1951) bắt đầu bước vào con đường chiến đấu, rèn luyện rồi trở thành cán bộ chỉ huy và trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong ký ức của Thiếu tướng Đào Quang Cát, Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ có chiến thắng mà còn có rất nhiều sự hy sinh xương máu của đồng bào, đồng chí. Bản thân ông cũng đã bị thương trong trận đánh cuối cùng tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông chia sẻ: Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ chiếm đồi 506 để mở đường vào hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Lúc đó, tôi làm Chính trị viên Phó đại đội kiêm phụ trách thương binh của tiểu đoàn. Khi bước vào trận đánh, quân ta bị địch đánh hỏa lực trúng đội hình. Nguyên một trung đội quân ta bị pháo địch vùi lấp. Lúc đó, tôi bới đất nhưng không thể đưa được anh em lên. Sau đó, tôi dẫn một tổ tải thương vào để đào giao thông hào tìm đồng đội. Lúc chúng tôi vừa đến nơi thì hỏa lực của địch bắn ra rất nhiều, thậm chí không thể tiến được vài mét. Chúng tôi đánh cao điểm lúc tối nên địch bắn pháo sáng ra rất nhiều. Khi tôi đang hướng dẫn anh em tải thương đưa bộ đội bị thương ra ngoài, thì Tiểu đoàn phó “chỉ thị”: Còn anh em nào khỏe vào chiến đấu ngay. Thế là tôi chạy vào. Vào đến trận địa thì địch đánh thống ra. Súng tại trận địa, nước mưa và đất bùn đã vào nòng, tôi liền đi tìm thủ pháo và gặp được một chiến sĩ ở Tiểu đoàn 115. Nguyên tiểu đoàn đó chỉ còn lại một mình chiến sĩ này còn sống sót. Tôi dặn: Cậu nằm đây thấy địch nhô lên bắn ngay, còn tôi lên nóc giao thông hào đánh bằng lựu đạn và thủ pháo. Đang đánh hăng thì tôi bị địch bắn bị thương vào chân. Tôi cố nhảy xuống hào. Sau đó, Trung đoàn 209 cử một trung đội vào tăng viện, đánh nhau được một lúc thì địch ra hàng khoảng mấy chục tên, có cả một viên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn. Tôi di chuyển sang hầm bên cạnh gặp một chiến sĩ cũng bị thương cụt chân. Đến gần sáng, anh em tải thương vào đưa thương binh ra trạm xá. Ra đến trạm xá, chúng tôi biết tin quân ta chiến thắng rồi, vui sướng trào nước mắt.
Bây giờ, Đại tá Nguyễn Hữu Tài vẫn nhớ như in những lời căn dặn, động viên của Bác Hồ trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ”, lệnh động viên từ Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vẫn hào sảng cất cao bài hát “Chiến sĩ Việt Nam” - giai điệu hào hùng đã từng vang lên trên chiến trường Điện Biên cổ vũ, tiếp sức cho các chiến sĩ xung trận. Thiếu tướng Đào Quang Cát nghẹn ngào khi nhắc đến tên đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trên chiến hào khi chiến thắng đã cận kề; rưng rưng xúc động khi phát biểu tại chương trình ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Huy hiệu “chiến sĩ Điện Biên Phủ” - phần thưởng của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và những kỷ vật kháng chiến đã được hai ông nâng niu, gìn giữ và trao tặng lại cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điện Biên sau 70 năm ngày chiến thắng đã đổi thay nhiều. Nhưng những thước phim ký ức của những người trong cuộc về một thời hoa lửa, về những ngày tháng lịch sử “khoét núi ngủ hầm/mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non” để làm nên “vành hoa đỏ/thiên sử vàng” hào hùng của dân tộc vẫn được khắc ghi nguyên vẹn, là niềm tự hào, là động lực thôi thúc xây dựng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng ngày càng giàu đẹp.
Chương trình ủng hộ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động có sức lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng với 5.000 căn nhà cho hộ nghèo đã được hoàn thành, trong đó có những đóng góp ý nghĩa của các chiến sĩ từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa như Thiếu tướng Đào Quang Cát, Đại tá Nguyễn Hữu Tài... Đó chính là sự tri ân thiết thực, tinh thần nhân văn sâu sắc, tấm lòng son sắt, trọn vẹn nghĩa tình với Điện Biên.