Tháo gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ
Trước thực trạng nhiều dự án chậm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức tổ chức rà soát, kiểm tra để xử lý đối với từng công trình này.
Chậm tiến độ, người dân bức xúc
Dự án cầu Tam Giang nối giữa thị trấn Núi Thành và xã Tam Giang, được đầu tư xây dựng năm 2017, dài 200m, rộng khoảng 12m, tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 1 năm. Tuy nhiên 6 năm qua dự án này vẫn còn dở dang. Trong khi đó cây cầu cũ Tam Giang đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng hằng ngày phải đón hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông qua lại.
Cũng tại huyện Núi Thành, tháng 5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn nối xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 với chiều dài 4,18km, với tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 12/2022. Đến thời điểm này cầu đã chậm tiến độ hơn 1 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành khiến người dân địa phương rất bức xúc.
Lý giải việc 2 dự án trên chậm tiến độ, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, nguyên nhân do vướng mặt bằng. Riêng cầu Tam Giang hiện nay có một số hộ dân chưa đồng ý chỗ tái định cư (TĐC) nơi ở mới. Chính quyền huyện đang tiếp tục vận động để các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để sớm triển khai 2 dự án này.
Trong khi đó, tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thuộc thị xã Điện Bàn, Dự án Khu dân cư (KDC) dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 với quy mô 24,17ha, tổng mức đầu tư khoảng 199 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2016 đến 2018, sau đó điều chỉnh đến quý IV/2020. Thế nhưng, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) nên tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon thông báo chấm dứt hoạt động dự án nói trên. Như vậy, sau 8 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư, KDC dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương vẫn đang trong tình trạng dang dở.
Bà Trần Thị Minh - ở khối Hà My Đông B, phường Điện Dương cho hay: “Năm 2016, dự án KDC dịch vụ - du lịch Làng chài triển khai. Tưởng sẽ sớm được bố trí đất TĐC để xây dựng nhà mới, nào ngờ dự án cứ giậm chân tại chỗ năm này qua năm khác khiến người dân rất bức xúc. Chứng kiến nhà cửa xuống cấp nhưng không thể xây dựng mới được vì nhà ở nằm trong vùng dự án này”.
Còn Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, được phê duyệt đầu tư năm 2010. Dự án có tổng diện tích hơn 12ha, quy mô đầu tư gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và hơn 3.600 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, với tổng vốn hơn 700 tỷ đồng. Dự án do Công ty STO làm chủ đầu tư. Dự kiến được hoàn thành vào tháng 8/2018 thế nhưng đến nay dự án vẫn còn dở dang.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, chính quyền thị xã đang rà soát lại các dự án chậm tiến độ, vướng mặt bằng và chậm triển khai thi công trên địa bàn thị xã. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã nhiều lần trao đổi tìm cách tháo gỡ khó khăn. Thị xã đã đã chủ động phân chia thành 3 nhóm dự án với các cấp độ khác nhau. Trong phạm vi của thị xã thì chủ động thực hiện, còn lại sẽ báo cáo lên tỉnh để tìm hướng giải quyết.
Theo ông Hà, công tác GPMB là khâu quan trọng khi triển khai các dự án bất động sản (BĐS), bởi nó liên quan đến giá đất và thu tiền sử dụng đất. Chủ trương của thị xã là rà soát từng dự án. Mục tiêu phải có phương án cụ thể về công tác GPMB, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch. Nếu cần thiết có thể tính toán đến phương án chỉnh trang, đầu tư thêm hạ tầng thiết yếu.
Liên quan vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh đã có công văn số 3021 gửi các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc triển khai thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét, hủy bỏ các quy định, thủ tục không cần thiết tạo rào cản cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tích cực nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật để tham mưu UBND tỉnh tăng cường phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết trên môi trường điện tử và tăng cường thanh tra trách nhiệm thủ trưởng, thanh tra công vụ của các cơ quan liên quan.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát thủ tục pháp lý và thực tế triển khai thực hiện của từng dự án để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tiến độ đầu tư, điều chỉnh quy mô đầu tư theo từng nhóm dự án tại kế hoạch số 1892 ngày 19/3/2024 của UBND tỉnh…