Công nghệ

Cần kịp thời đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn

Thái Nhung 07/05/2024 18:47

Hiện nay Việt Nam đã có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, đáp ứng yêu cầu đến năm 2030.

Tuy nhiên, đây là phương án về lâu dài. Để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ số, ngay bây giờ chúng ta phải có những giải pháp, mô hình đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực của ngành bán dẫn trước mắt.

Tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lan Anh.
Tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lan Anh.

Mở ra xu hướng ngành mới

Sự phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ đã làm tăng cường nhu cầu về nhân lực chuyên nghiệp, đặt ra nhiều cơ hội hấp dẫn về việc làm và đào tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ.

Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhằm đáp ứng xu hướng và nhu cầu thị trường lao động, nhiều trường đại học mở thêm mã ngành nghề mới, dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh những ngành nghề mới nổi như: Ngành về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái hay một số ngành liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn như lập trình chíp bán dẫn…

Đơn cử, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 4 ngành mới thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Trường đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư, quy mô tuyển sinh dự kiến khoảng 50-100 chỉ tiêu mỗi ngành. Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh 4.010 chỉ tiêu trong năm 2024 (tăng 10% so với năm ngoái). Liên quan đến lĩnh vực công nghệ, năm nay trường này sẽ tuyển sinh lần đầu đối với 2 ngành đào tạo mới, gồm: Công nghệ bán dẫn và Thiết kế vi mạch. Nhiều trường đại học khác cũng mở thêm các ngành tương tự.

Cần có mô hình đào tạo ngắn hạn

Để đào tạo được một kỹ sư theo các chuyên ngành liên quan đến bán dẫn nói trên, theo các chuyên gia phải mất từ 3-4 năm. Thậm chí để một kỹ sư có thể làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn có thể cần tới 6 năm học cả cơ bản và chuyên sâu. Do đó, muốn có nguồn nhân lực các công nghệ mới như bán dẫn, AI, Blockchain một cách nhanh nhất, các chuyên gia cho rằng cần có một mô hình giáo dục ngắn hạn, phù hợp xu hướng.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội: “Để đạt được lợi ích, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho ngành bán dẫn, trước mắt, chúng ta có thể tiến hành đào tạo ngắn hạn có chọn lọc dựa trên đội ngũ cử nhân sẵn có đã được đào tạo bài bản ngành kỹ thuật máy tính hay điện tử viễn thông… Một khóa đào tạo từ 3-6 tháng về sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch chẳng hạn. Tuy nhiên việc này chỉ giải quyết nhu cầu nhân lực trước mắt. Còn để có một chuyên gia giỏi thì phải đào tạo bài bản và lâu dài”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Bình, quản lý chương trình cao cấp của Đại học RMIT cho rằng, các trường đại học nên cùng với các doanh nghiệp giải quyết vấn đề là nghiên cứu đề tài gì, chuyên ngành gì khi công nghệ phát triển quá nhanh. Các trường đại học nên nhìn vào bài toán hiện tại của các doanh nghiệp và nền kinh tế để nghiên cứu và tìm ra lời giải. Cần tạo ra nền tảng và dựa trên nền tảng để có phương pháp giáo dục mới. Phải nghĩ đến câu chuyện tiến hóa mô hình giáo dục, sinh viên không cần phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Cụ thể, cần những mô hình giáo dục có thời gian ngắn hơn, chẳng hạn để đào tạo 100.000 nhân lực công nghệ mới như AI, Blockchain trong 6 tháng, cần chọn lựa những người đang đi làm, từ nguồn kỹ thuật viên, kỹ sư đang có để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định. “Chúng ta không có cách nào để đào tạo 100.000 sinh viên với kiến thức công nghệ mới nhất trong 3-4 năm tới. Ở đây, lời giải là đưa ra các sản phẩm, mô hình mới về giáo dục dành cho những người đang đi làm và đào tạo họ trong thời gian 6 tháng”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Thái Nhung