Tiếng dân

Làm rõ trách nhiệm vụ hàng nghìn cây bạch đàn bị chặt hạ ở Phú Thọ

Ngô Hùng 08/05/2024 11:38

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, có biện pháp xử lý dứt điểm việc trồng, chặt hạ cây tại bãi bồi phường Minh Nông (TP Việt Trì).

Số cây bị chặt hạ được trồng trên diện tích đất bãi bồi do Nhà nước quản lý, chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào. Ảnh: THQH
Số cây bị chặt hạ được trồng trên diện tích đất bãi bồi do Nhà nước quản lý, chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào. Ảnh: THQH.

Cụ thể, ngày 26/4, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 1688 về việc Kiểm tra, xác minh hoạt động khai thác khoáng sản xảy ra tại khu vực bãi bồi phường Minh Nông tiếp giáp mỏ cát lòng sông Hồng (phường Minh Nông, TP Việt Trì). Theo văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến giao Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Công an TP Việt Trì khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc chặt hạ cây của người dân theo đúng quy định của pháp luật; xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân cung cấp thông tin, phản ánh không chính xác cho cơ quan truyền thông.

Bên cạnh đó, giao UBND TP Việt Trì chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp giữa người dân canh tác, trồng cây trên phạm vi bãi bồi non (quỹ đất do UBND cấp xã quản lý) với các đơn vị khai thác khoáng sản (theo báo cáo của UBND phường Minh Nông) làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, có biện pháp xử lý dứt điểm. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND phường Minh Nông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi làm việc, trả lời phỏng vấn, phát ngôn trước các cơ quan truyền thông (phát ngôn chưa rõ ràng, cụ thể, gây hiểu sai lệch thông tin trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh).

Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, thời gian gần đây, câu chuyện hàng nghìn cây bạch đàn ở bãi bồi thuộc phường Minh Nông bị chặt hạ gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, thời gian qua, hàng nghìn cây bạch đàn của người dân trồng tại bãi bồi sông Hồng bỗng bị chặt hạ. Người dân đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quang Chung – Chủ tịch UBND phường Minh Nông cho biết, khu vực cây bạch đàn bị chặt hạ là đất công do phường quản lý. Phường đã có văn bản yêu cầu người dân không được phép trồng cây ở đây từ nhiều năm trước.

Khi mỏ cát đấu giá xong, nhiều người dân đã trồng cây trên diện tích đất mỏ nhằm
Thậm chí mỏ cát vừa đấu giá xong, người dân đã tự ý trồng cây trên diện tích đất của mỏ. Ảnh: Ngô Hùng.

Còn tại biên bản làm việc ngày 2/4, UBND phường Minh Nông cho biết, vừa qua có vụ việc nhiều cây bạch đàn bị chặt phá, chưa xác định được lý do, đối tượng chặt phá. Khu vực này là đất thuộc Nhà nước quản lý, chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào.

Đặc biệt, liên tiếp các năm 2020, 2022, 2023, UBND phường Minh Nông có thông báo về việc trồng cây cối, hoa màu trên diện tích bãi bồi do Nhà nước quản lý trên địa bàn. Theo thông báo này, UBND phường Minh Nông nêu rõ, qua kiểm tra thực tế thấy hiện nay có một số người dân tự ý chiếm dụng diện tích bãi bồi do Nhà nước quản lý để canh tác trồng cây cối, hoa màu.

“Để thuận tiện trong công tác quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước về đất đai. UBND phường Minh Nông đề nghị các khu dân cư tổ chức thông báo, tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý chiếm dụng diện tích đất bãi bồi do Nhà nước quản lý để canh tác trồng cây cối, hoa màu. Đối với các hộ đang canh tác trồng cây cối, hoa màu phải tự thu dọn trả lại mặt bằng cho Nhà nước”, thông báo nêu.

Trước đó, tháng 8/2023, Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài phản ánh về việc khi các cơ quan chức năng tiến hành cắm mốc giới mỏ cát để giao cho doanh nghiệp trúng đấu giá ở phường Minh Nông đã bị hàng chục người dân “quây” nhằm ngăn cản. Sự việc gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh nên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã phải ra “tối hậu thư” chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Công an tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Khi các cơ quan tiến hành cắm mốc giới mỏ cát để giao cho doanh nghiệp trúng đấu giá thì bị hàng chục người dân ngăn cản. Ảnh: Ngô Hùng.
Khi các cơ quan tiến hành cắm mốc giới mỏ cát để giao cho doanh nghiệp trúng đấu giá thì bị người dân ngăn cản. Ảnh: Ngô Hùng.

Theo các đơn vị trúng đấu giá mỏ cát ở phường Minh Nông, ngay khi có quy hoạch mỏ, thậm chí sau khi doanh nghiệp vừa trúng đấu giá mỏ cát. Tại các bãi bồi non (đất do Nhà nước quản lý), giáp và trùng với diện tích của mỏ cát, một số người đã tự ý thuê người dân đến trồng cây. Về việc này, các đơn vị đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng trên nhưng không được xử lý triệt để. Cũng theo một số doanh nghiệp, việc người dân trồng cây trên nhằm mục đích chờ chủ đầu tư đi vào hoạt động sẽ đưa ra những yêu sách đòi đền bù phần cây trồng với giá cao. Ngoài ra, việc người dân tự ý trồng cây đã làm chậm trễ việc bàn giao đất, cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh cũng như kinh tế cho doanh nghiệp.

Tìm hiểu thêm được biết, ngày 28/6/2023, Văn phòng thừa phát lại Đại Việt đã lập vi bằng Hợp đồng mua bán giữa ông Tạ Phúc Thắm và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và thương mại Thiên Trường (Công ty Thiên Trường). Theo đó, ông Thắm bán toàn bộ cây bạch đàn trên diện tích 600.000m2 đất tại khu Hồng Hải (phường Minh Nông) cho Công ty Thiên Trường với số tiền 88 tỷ đồng. Theo một số người buôn gỗ, số tiền hơn 1 tỷ đồng mua 1ha cây bạch đàn là cái giá không tưởng, nó gấp cả chục lần so với giá thực tế. Nếu không có mục đích khác thì không ai mua với giá đó cả.

Liên quan đến việc này, ông Tạ Phúc Thắm thừa nhận có việc mua bán trên. Tuy nhiên, ông Thắm cho biết, ngay sau đó, ông đã trả lại tiền cho Công ty Thiên Trường và hợp đồng trên cũng đã được huỷ bỏ.

Ngô Hùng