Nhân lực đi trước đón đầu
Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng nhu cầu nhân lực lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên. Nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang là bài toán khó.
Với số nhân lực thiết kế vi mạch chỉ khoảng 5.000 người, thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế: 3.000 x 5 năm + 5.000 = 20.000), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
Thực tế cho thấy, nếu không có chiến lược thích hợp đi trước đón đầu thì các lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch sẽ gặp khó khăn. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên học các ngành gần (kỹ thuật) có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, điều đó cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Về vấn đề này, đại diện Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần vượt qua “4 thách thức”, bao gồm: thu hút người học, chương trình đào tạo, thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành, thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch để các phần mềm chia sẻ có thể dùng chung.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia và khẳng định mình trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Năm 2023, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đạt doanh thu gần 600 tỷ USD và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Vẫn biết là thế, nhưng làm cách nào để có nguồn nhân lực các công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… một cách nhanh nhất thì vẫn “sừng sững” như một thách đố. Đi tìm lời giải, theo TS Nguyễn Thanh Bình (Đại học RMIT), đã đến lúc nghĩ đến câu chuyện “tiến hóa” mô hình giáo dục, sinh viên không cần phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Cần những mô hình giáo dục có thời gian ngắn hơn, chẳng hạn để đào tạo 100.000 nhân lực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trong 6 tháng, cần chọn lựa những người đang đi làm để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định.
“Ở đây, lời giải là đưa ra các sản phẩm, mô hình mới về giáo dục dành cho những người đang đi làm và đào tạo họ trong thời gian 6 tháng” - ông Bình nói. Còn ông Vũ Anh Tuấn (Hội Tin học TPHCM) cho rằng, nên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bằng cách lựa chọn những kĩ sư đã có kinh nghiệm 5-10 năm để đào tạo ở lĩnh vực mới trong khoảng thời gian 1 năm.
Về vấn đề này, phát biểu tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dự báo tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường. “Chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào. Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải, mà do lương thấp” - Bộ trưởng nói và cho rằng, chúng ta đang có khoảng 600.000 đến 700.000 kĩ sư ngành này, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng… là có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn.
Chuẩn bị nhân lực để đi trước đón đầu trong cuộc đua công nghệ điện tử, nhất là lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn. Đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi mô hình đào tạo quen thuộc nặng về lý thuyết kéo dài quá nhiều năm sang cách đào tạo thực tế hơn, rút ngắn thời gian. Mặt khác, đầu tư, nói cách khác là trả lương xứng đáng cho nhân lực lĩnh vực đòi hỏi phải có chính sách ưu tiên, nhất quán.
Tuy nhiên, số lượng phải đi cùng chất lượng nguồn nhân lực. Nói như vị đại diện Ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, riêng kĩ sư vi mạch, hàng năm Viettel đều tuyển dụng với mục tiêu mỗi năm tuyển 20 - 30 người, nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người. Trong 10 hồ sơ chỉ tuyển được 1.
Vì thế mới nói, đi nhanh nhưng vẫn phải bước chắc.