Tiếng dân

Dạy và học trong ngôi trường xuống cấp

Nguyễn Chung 08/05/2024 14:15

Mặc dù địa phương đã về đích xây dựng nông thôn mới và đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tuy nhiên, giáo viên và học sinh Trường THCS Thiệu Công (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đang phải dạy và học dưới những phòng học tạm xuống cấp.

anh-bai-tren(4).jpg
Học sinh Trường THCS Thiệu Công phải học trong phòng học xuống cấp. Ảnh: N.Chung.

Vừa dạy vừa lo

Bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Công cho biết: Do thiếu phòng học, nhà trường đã phải mượn tạm các khu nhà cũ của người dân bên cạnh trường để làm lớp học. Đặc biệt, các lớp học tạm này trong tình trạng xuống cấp nhiều năm trở lại đây, khiến quá trình công tác dạy, học gặp nhiều khó khăn. Trong các giờ lên lớp, cả thầy và trò đều trong tâm trạng phấp phỏng, vừa dạy, vừa học, vừa canh chừng tai nạn vì lớp học có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.

Hiện mỗi lớp học của Trường THCS Thiệu Công có sĩ số từ 40 - 47 học sinh. Tuy nhiên, diện tích mỗi phòng học chỉ rộng 45m2, chưa đảm bảo quy định 1,5m2/học sinh. Việc phòng học chật chội khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình học. Với 12 phòng học hiện tại, nhà trường chỉ đủ để học sinh học chính khóa. Trong khi đó, mỗi năm nhà trường có hàng chục học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Do không còn phòng, nhà trường phải mượn tạm khu nhà cũ của người dân cạnh trường để tổ chức ôn luyện cho các em. Năm nay, trường có 70 em tham gia đội tuyển học sinh giỏi, nhiều hôm không còn phòng để bố trí cho các em ôn luyện, nên phải mượn căn nhà cũ của nhà dân để luyện thi.

Bất cập nằm ở chỗ, diện tích khuôn viên nhà trường khoảng 3.800m2. Nếu chia diện tích trên đầu học sinh thì không đảm bảo theo quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài 12 phòng học, hiện tại, nhà trường chưa có bất cứ phòng chức năng nào (phòng âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, phòng đa năng). Các phòng hỗ trợ học tập như thư viện, thiết bị giáo dục, tư vấn học đường, truyền thống cũng chưa được đầu tư. Nhiều phòng học đã xuống cấp trầm trọng, khiến học sinh vừa học, vừa lo nơm nớp. Thiếu thốn đủ bề, nhà trường phải mượn cơ sở vật chất của người dân để làm phòng tài vụ, đoàn đội, phòng bồi dưỡng học sinh. “Trước thực trạng trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học nhưng chưa được giải quyết” - bà Hương nói.

Khu vực tổ chức ôn luyện cho học sinh giỏi là khu nhà cũ kỹ gồm 3 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường, nền gạch, cửa sổ bị hư hỏng nặng. Trần nhà bị bong tróc, dột nát, được căng bạt để che mưa, nắng, có thể gây nguy hiểm cho học sinh bất cứ lúc nào. Vào những ngày mưa, mùi rêu mốc bốc lên nồng nặc, ẩm thấp, hệ thống chiếu sáng thiếu thốn khiến quá trình ôn luyện thi của các em bị ảnh hưởng. Các phòng học chính cũng không khá khẩm hơn là mấy. Được biết, Trường THCS Thiệu Công, quy mô hiện tại gồm 2 dãy nhà 2 tầng với 12 phòng học. Đây cũng là ngôi trường cấp 2 duy nhất trên địa bàn huyện Thiệu Hóa chưa đạt chuẩn quốc gia.

Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Hiểu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Riêng xã Thiệu Công đã và đang được đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng mức đầu tư 20,85 tỷ đồng và đầu tư xây dựng trường tiểu học với tổng mức đầu tư gần 8,4 tỷ đồng. Với điều kiện ngân sách địa phương có hạn, huyện Thiệu Hóa sẽ phân cấp, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên các nhóm trường bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn trong sử dụng; nhóm các trường chưa đảm bảo điều kiện giảng dạy, học tập và làm việc. Từng bước hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn, tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo quy định; nhóm các trường cần chỉnh trang cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu theo quy định và nhóm các trường chuẩn ở mức độ cao theo hướng hiện đại. Trường THCS Thiệu Công là trường THCS duy nhất trên địa bàn huyện chưa đạt chuẩn quốc gia và có nhiều hạng mục chưa được đầu tư.

Được biết, huyện Thiệu Hóa đang thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của huyện đạt 100% và nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa về giáo dục.

Nguyễn Chung