Kiểm toán việc quản lý và cho thuê đất công ích: Từ kiểm toán lồng ghép đến ban hành đề cương kiểm toán chuyên đề
Để nâng cao hiệu quả của việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực trong quản lý và cho thuê đất công ích, Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành Quyết định số 835/QĐ-KTNN về Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023.
Nhiều cuộc kiểm toán nhưng mới chỉ lồng ghép
Những năm qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước thông qua việc lồng ghép với nội dung kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) hàng năm, đồng thời thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai hoặc có liên quan đến đất đai như: Kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn các tỉnh, thành phố; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN; kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị trên địa bàn các tỉnh, thành phố; Chuyên đề Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại một số địa phương.
Đáng chú ý, kiểm toán việc quản lý đất công ích tại các địa phương thì chưa có Chuyên đề kiểm toán mà chỉ lồng ghép trong cuộc kiểm toán NSĐP, trong đó chủ yếu thông qua việc đối chiếu với các đơn vị ngân sách cấp xã, phường. Qua các cuộc kiểm toán NSĐP, KTNN phát hiện một số vấn đề:
Còn tình trạng đất công ích được giao thầu khoán trực tiếp, ký biên bản tạm giao đất cho các cá nhân sử dụng, gia hạn hợp đồng thuê đất mà chưa thực hiện đấu giá để cho thuê đất theo quy định tại Điều 118, Luật Đất đai 2013.
Hợp đồng cho thuê đất công ích đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục cho các cá nhân sử dụng mà chưa thực hiện việc thu hồi, đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Các xã không thực hiện ký lại hợp đồng thuê đất, không thu tiền hoa lợi công sản, thu từ quỹ đất công ích mặc dù người dân vẫn đang canh tác trên diện tích được giao trước đó…
Tuy nhiên, các phát hiện, kết quả kiểm toán về quản lý đất công ích còn chưa nhiều; chưa có các kết quả kiểm toán, đánh giá tổng hợp toàn tỉnh/thành phố về công tác quản lý đất công ích mà mới chủ yếu dừng ở việc đưa ra nhận xét, đánh giá ở các quận, huyện có đối chiếu với ngân sách của các xã, phường; kết quả kiểm toán chưa có tính khái quát và hệ thống.
Theo KTNN, nguyên nhân của hạn chế kiểm toán về đất công ích là do chưa có cuộc kiểm toán chuyên đề mang tính chuyên sâu về quản lý đất công ích, mà chủ yếu kết hợp (thông qua đối chiếu ngân sách cấp xã) trong các cuộc kiểm toán NSĐP. Hơn nữa, các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý đất đai của KTNN chủ yếu đề cập đến kiểm toán công tác quản lý đất theo các dự án, đất của các khu đô thị, đất của các doanh nghiệp mà chưa đề cập đến công tác quản lý đất công ích.
Bên cạnh đó, đặc thù của đất công ích là số thửa/khu đất công ích mà các đơn vị quản lý, sử dụng là rất nhiều nhưng nhỏ, lẻ. Do đó, thông qua kiểm toán chọn mẫu (chọn mẫu các hồ sơ quản lý, sử dụng các thửa đất công ích tại các xã, phường bằng việc thực hiện từ việc đối chiếu NSĐP các xã, phường) thì tổng giá trị mẫu chọn được kiểm tra, đánh giá cũng là nhỏ, nên khó có tính khái quát và đủ cơ sở đại diện cho tổng thể.
Ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, KTNN đã ban hành Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 (Đề cương).
Theo đó, Đề cương này áp dụng cho việc kiểm toán chuyên đề liên quan đến việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 cho các cuộc kiểm toán: Kiểm toán riêng rẽ chuyên đề quản lý và cho thuê đất công ích; kiểm toán lồng ghép chuyên đề quản lý và cho thuê đất công ích trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.
“Tùy thuộc vào mục tiêu, phạm vi của từng cuộc kiểm toán và sự phân cấp quản lý và cho thuê đất công ích của từng địa phương, Đoàn kiểm toán đưa ra các nội dung kiểm toán, các đơn vị được kiểm toán cho phù hợp” - Đề cương nêu rõ.
Mục tiêu của Chuyên đề kiểm toán nhằm: Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và cho thuê đất công ích của địa phương, tập trung vào các nội dung (nếu có phát sinh tại địa phương): Ban hành các văn bản của UBND các cấp và các cơ quan của địa phương trong quản lý và cho thuê đất công ích; thống kê số lượng, diện tích đất công ích được bố trí cho công trình công cộng của địa phương theo quy định của Luật Đất đai; số lượng và diện tích đất công ích cho thuê, đất công ích chưa sử dụng...; giao đất, thu hồi, cho thuê đất công ích gắn với kế hoạch sử dụng đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính NSNN từ việc quản lý và cho thuê đất công ích; việc quản lý, sử dụng tiền thu phát sinh từ cho thuê đất công ích; việc kiểm tra, thanh tra, giám sát về quản lý và cho thuê đất công ích (tùy thuộc vào đặc thù riêng, các đơn vị được kiểm toán xác định mục tiêu phù hợp).
Cùng với đó, thông qua kiểm toán phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các hành vi sai phạm trong công tác quản lý và cho thuê đất công ích; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thông qua kiểm toán phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về quản lý và cho thuê đất công ích (nếu có) để kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp.
Ngoài ra, cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích.
Về rủi ro kiểm toán, Đề cương nêu rõ:
Đối với rủi ro có sai sót trọng yếu: Căn cứ vào Chuẩn mực KTNN, kết quả khảo sát thu thập thông tin và trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần tiến hành các thủ tục phân tích một cách kỹ lưỡng các thông tin cũng như các đánh giá thông tin đã thu thập được trong công tác quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 tại các địa phương, hệ thống kiểm soát nội bộ để thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có sai sót trọng yếu.
Việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu cần được thực hiện một cách liên tục trong tất cả các bước của quy trình kiểm toán. Tuy nhiên ở bước chuẩn bị kiểm toán chỉ tiến hành xác định ở mức độ tổng thể để xác định các vấn đề cần lưu ý và cách thức xử lý cho các bước tiếp theo của quy trình.
Đối với rủi ro tiềm tàng: Đất công ích sử dụng sai mục đích, còn tình trạng lấn chiếm đất công, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định, cho mượn, cho thuê đất không thông qua đấu giá, bỏ hoang, chuyển nhượng trái phép; Không quản lý được đất công ích vì không thống kê được.
Lấn chiếm đất công ích bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích vẫn còn nhiều; Nhiều địa phương xác định đất của người dân khai hoang là đất 5% dẫn đến khiếu nại kéo dài do không thống kê, không xác định rõ vị trí, diện tích đất công ích tại các địa phương nên dẫn đến tình trạng cấp nhầm đất công ích.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất công ích (bất cập về cơ chế chính sách...).
Đối với rủi ro kiểm soát: Các địa phương chưa xác định rõ, đầy đủ các thửa đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp để đưa vào danh sách đất công ích và thực hiện quản lý, cho thuê đúng quy định của Luật Đất đai. Các trường hợp đất hoang hóa, đất bãi ven sông hoặc không đủ điều kiện để sản xuất thì căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, lập phương án sử dụng đất để đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả; Các xã/phường còn cho thuê nhưng không có hợp đồng, cho thuê không đúng đối tượng, cho thuê không đúng thẩm quyền, không qua đấu giá, cho thuê quá thời gian quy định, hết thời hạn thuê đất, nhưng các đối tượng thuê đất không tự nguyện trả lại đất… nợ tiền thuê đất. Nhiều thửa đất chưa tổ chức cho thuê thầu vì các nguyên nhân như: xen kẹt, nhỏ lẻ, hiện trạng thấp, trũng không có đường thoát nước úng ngập nên khó canh tác, sản xuất và nuôi trồng; tỷ lệ đất chưa cho thuê tại một nơi còn cao; Tiền thu được từ việc cho thuê đất công ích chưa kịp thời nộp NSNN; chưa nộp đầy đủ và đúng thời hạn theo hợp đồng thuê đất đã ký kết; Việc sử dụng tiền thu từ cho thuê đất công ích khó kiểm soát vì: UBND các xã hòa chung tiền thu từ cho thuê vào thu cân đối của ngân sách xã và sử dụng chung theo quy định của các văn bản về quản lý ngân sách; mà chưa tách biệt riêng để sử dụng cho mục đích công ích theo quy định tại Điều 132 của Luật Đất đai năm 2013...
Về trọng yếu kiểm toán, Đề cương yêu cầu: Công tác ban hành văn bản pháp luật, chính sách, chế độ và các hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng đất công ích tại địa phương; việc tổng hợp dữ liệu, căn cứ tính toán, xác định, thống kê, theo dõi quỹ đất công ích của địa phương; việc thực hiện lập, quản lý, xây dựng hệ thống thông tin về đất công ích của địa phương; Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn thuộc trách nhiệm của các Sở/Ban/Ngành theo phân cấp của từng địa phương; việc hạch toán, quản lý, sử dụng tiền thu, nguồn thu từ cho thuê quỹ đất công ích của tỉnh/thành phố; Tình hình quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn; công tác quản lý giá cho thuê đất công ích: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất công ích; công tác thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích (nếu có).
Thông qua các trọng yếu nêu trên đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và cho thuê đất công ích của địa phương.