Cần Thơ: Xác định nguyên nhân xuất hiện vết nứt ở dự án kè nghìn tỉ
Chiều 8/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA) TP Cần Thơ báo cáo nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt dọc cục bộ tại một số vị trí bê tông lót vỉa hè phía sau kè Gói thầu xây lắp số 1, Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ.
Theo báo cáo, Dự án có chiều dài toàn tuyến là 5.160m (gồm Đoạn kè bảo vệ bờ trái có chiều dài 2.450m và đoạn kè bảo vệ bờ phải có chiều dài 2.710m) và được chia thành 4 gói thầu.
Trong đó, Gói thầu xây lắp số 1 có chiều dài 1.346m, từ cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến vị trí cách cầu Rau Răm khoảng 100m về phía quận Ninh Kiều. Giá trị thực hiện đến nay đạt 96,1% giá trị hợp đồng.
Qua phản ánh của người dân, gói thầu xây lắp số 1 xảy ra hiện tượng nứt dọc cục bộ bê tông lót tại một số vị trí phía sau kè. Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ kiểm tra thực tế tại hiện trường và trao đổi với Đơn vị Tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công để xác định nguyên nhân của hiện tượng trên.
“Nguyên nhân chính nứt phần bê tông lót vỉa hè là do lún lệch cục bộ giữa phần bê tông lót nằm trên bản đáy tường kè (trên hệ cọc BTCT, ổn định không bị lún) với phần bê tông lót nằm trên nền cát K95, vị trí xảy ra vết nứt nêu trên có chiều cao lớp cát đắp là 2m, nằm trên nền đất yếu thuộc khu vực đã xảy ra sạt lở vào năm 2020 và năm 2021 nêu trên; mặt khác do nền cát đắp phía sau tường kè theo hồ sơ thiết kế không xử lý nền đất yếu dẫn đến việc lún cố kết tự nhiên theo thời gian.
Đối với tường kè đã thi công hoàn thành, qua kết quả quan trắc của Nhà thầu thi công thì tường kè vẫn đảm bảo ổn định, đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế”, báo cáo của Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ nêu.
Cũng theo báo cáo, Ban QLDA, Đơn vị Tư vấn thiết kế đã đề nghị Nhà thầu thi công phá dỡ lớp bê tông lót vỉa hè nêu trên, tiến hành bù cát và lu lèn, chờ quan trắc ổn định mới tiếp tục thi công hoàn thiện.
Được biết, Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương.