Chuỗi nhiệt độ phá kỷ lục của thế giới kéo dài đến tháng 4
Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết, thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng kỷ lục, kéo dài chuỗi 11 tháng liên tiếp lập kỷ lục về nhiệt độ.
Mỗi tháng kể từ tháng 6/2023 đều được xếp hạng là tháng nóng kỷ lục của hành tinh so với tháng tương ứng của những năm trước, Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết trong bản tin hàng tháng.
Tính cả tháng 4, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong 12 tháng - cao hơn 1,61 độ C so với mức trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.
Một số hiện tượng cực đoan, bao gồm cả những tháng nhiệt độ bề mặt nước biển phá kỷ lục, đã khiến các nhà khoa học phải điều tra xem liệu hoạt động của con người hiện nay có gây ra điểm bùng phát trong hệ thống khí hậu hay không.
Bà Julien Nicolas, Nhà khoa học khí hậu cao cấp của C3S cho biết: “Tôi nghĩ nhiều nhà khoa học đã đặt câu hỏi liệu có thể có sự thay đổi trong hệ thống khí hậu hay không”.
Phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Trong những tháng gần đây, hiện tượng El Nino tự nhiên làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương cũng làm nhiệt độ tăng lên.
Các nhà khoa học đã xác nhận rằng, biến đổi khí hậu đã gây ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan trong tháng 4, bao gồm cả đợt nắng nóng, mở ra một vấn đề mới ở Sahel có liên quan đến hàng nghìn người có thể tử vong.
Bà Hayley Fowler, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Newcastle, cho biết, dữ liệu cho thấy thế giới đang tiến rất gần với việc vi phạm mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
"Tôi cho rằng, chúng ta đã thua trong cuộc chiến giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C và cần phải nghiêm túc suy nghĩ về việc giữ nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C và giảm lượng khí thải càng nhanh càng tốt", bà Fowler nói.
Các quốc gia đã nhất trí mục tiêu 1,5 độ C tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào năm 2015. Đó là mức mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được những hậu quả tai hại nhất của hiện tượng nóng lên, như nắng nóng chết người, lũ lụt và sự mất mát không thể khắc phục được của hệ sinh thái.
Về mặt kỹ thuật, mục tiêu 1,5 độ C vẫn chưa bị bỏ qua vì nó đề cập đến nhiệt độ trung bình toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Nhưng một số nhà khoa học cho biết, mục tiêu này không còn có thể đạt được trên thực tế nữa và đã kêu gọi các chính phủ cắt giảm lượng khí thải CO2 nhanh hơn để hạn chế việc vượt quá mục tiêu.
Bộ dữ liệu của C3S có từ năm 1940, được các nhà khoa học kiểm tra chéo với các dữ liệu khác để xác nhận rằng, tháng trước là tháng 4 nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.