Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Xanh
Năm địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2023 là Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp. Vị trí cao nhất của PGI 2023 là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh.
Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.
Theo đó, Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Tháp là năm địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2023. Bên cạnh đó, vị trí cao nhất trong PGI 2023 thuộc về các địa danh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều chuyển biến tích cực
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.
Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, khảo sát PCI–PGI năm 2023 cho thấy có những cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây. Trong đó, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.
Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 (khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát).
Từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các ý kiến có chung quan điểm Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp FDI tăng tuyển dụng lao động đã tăng từ mức 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh có sự cải thiện khá khả quan, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi lên mức 46,5% và báo lỗ là 42,3%. Nhóm doanh nghiệp FDI cho biết gánh nặng thực thi quy định tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế còn 16% và giảm so với mức 27% năm 2022. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp FDI đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp trong nước tăng dần từ mức 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra bối cảnh kinh tế đầy thách thức cũng được phản ánh trong báo cáo năm nay khi tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới chỉ ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải chật vật đương đầu với nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, cũng như các thủ tục hành chính.
“Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với tình hình thiên tai, biến đối khí hậu diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Và, những yếu tố từ bên ngoài làm gia tăng khó khăn với hoạt động kinh doanh, như căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, lạm phát vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu suy giảm, hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng…”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cần sự ổn định, nhất quán trong thực thi chính sách
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phát huy nền tảng quan hệ đối tác gần 20 năm qua với VCCI, để giúp Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới thông qua chuyển đổi sang một nền Kinh tế Xanh.
“Bằng cách thúc đẩy những cải cách thể chế và đầu tư thân thiện với môi trường, Chỉ số Xanh cấp tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cũng như mục tiêu tham vọng của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050,” ông Marc E. Knapper nói.
Sau khi thí điểm vào năm 2022, VCCI đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Đây là bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Phân tích của báo cáo PCI-PGI 2023 cho thấy điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng/liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho rằng để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Tình hình kinh tế khó khăn rất cần sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh nhiều bất định và biến động của tình hình thế giới, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật,” ông Phạm Tấn Công nói.
Năm 2024 đã được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/1/2024, Chính phủ đã xác định chủ đề năm là “Kỷ cương trách nhiệm; Chủ động kịp thời; Tăng tốc sáng tạo; Hiệu quả bền vững.”
Theo đó, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh những chỉ đạo chính sách của Chính phủ đang được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được chính quyền các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả. Điều này sẽ góp phần quan trọng, thậm chí là quyết định tới việc thực hiện các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2024 và những năm tiếp theo.