Góc nhìn Đại Đoàn Kết

“Chạy” trường cho con

Nam Việt 09/05/2024 13:07

Ngày 7/5, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2024-2025 và Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Phát biểu tại phiên họp, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ tại các trường học.

Năm học 2024 - 2025 sắp tới, Hà Nội dự kiến có tới 100.000 trẻ nhà trẻ; 52.000 trẻ mẫu giáo; 145.000 học sinh lớp 1 và 160.000 học sinh lớp 6. Cùng đó có gần 110.000 thí sinh sẽ đăng ký dự thi lớp 10 trung học phổ thông. Hà Nội tiếp tục là địa phương có thí sinh dự thi vào lớp 10 đông nhất cả nước.

Việc xin cho con vào trường mầm non, lớp 1 và lớp đầu cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông luôn nóng suốt nhiều năm qua. Với năm học 2024 - 2025 sắp tới, ngay từ ngày 9/4, Sở GDĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; với yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải hoàn thành việc cấp mã tuyển sinh cho phụ huynh trước ngày 31/5.

Tuy nhiên, trước đó, từ giữa tháng 2/2024, nhiều trường tiểu học Hà Nội đã lên phương án tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2024-2025. Trong đó có Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy)...

Việc xin cho trẻ vào trường mầm non và các lớp đầu cấp (lớp 1,6 và 10) từ lâu đã là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh. Để có một suất cho con, nhiều người đã phải thức khuya dậy sớm chen chúc xếp thành hàng dài trước cổng trường. Có người thuê người xếp hàng. Có trường còn tổ chức “bốc thăm”. Đã có lần, cũng chỉ vì quá lo, phụ huynh đã đẩy đổ cả cánh cổng, ùa vào trường nộp hồ sơ, không khác nào ong vỡ tổ.

Nhiều gia đình mất ăn mất ngủ chỉ vì lo “chạy” bằng được một suất vào trường cho con. Họ vận dụng mọi mối quan hệ để nhờ cậy. Ngay đến vị tổ trưởng dân phố cũng được phụ huynh “vận động” vào cuộc... xin học cho con em mình.

Không ít gia đình vợ chồng mất đoàn kết cũng chỉ vì chuyện học của con. Đang yên đang lành nhưng đến lúc phải lo cho con được vào trường ưng ý thì bỗng “đối phương” trút trách nhiệm cho nhau. Đến giấc ngủ cũng không yên.

Nhiều năm qua, số trẻ vào mầm non, vào đầu cấp tại Hà Nội liên tục tăng. Trong khi trường lớp tăng không đáng kể. Chính quyền và ngành giáo dục Thủ đô luôn đau đầu giải bài toán thiếu trường lớp, sĩ số học sinh. Ví dụ như năm học 2023-2024, số học sinh vào lớp 6 tăng tới 38.800 em, số học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Theo quy định của Bộ GDĐT, trường tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng hầu như các trường ở các quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông... lớp học đều có trên dưới 50 học sinh/lớp, thậm chí có lớp 60 học sinh/lớp.

Tất nhiên không vào được trường công thì vào trường tư. Nhưng chi phí học trường tư lại quá đắt đỏ, vượt xa thu nhập của nhiều gia đình.

Trở lại việc lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ tại các trường học. Đó là chỉ đạo cần thiết, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì rằng việc này cũng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua.

Vấn đề quan trọng nhất là phải “tìm ra” quỹ đất, tăng cường đầu tư kinh phí xây trường cũng như bổ sung biên chế giáo viên các trường công lập. Riêng về quỹ đất, các quận trung tâm Hà Nội chật chội, nhưng không đến nỗi không thể có đất xây trường, nhất là khi nhiều cơ sở sản xuất, nhiều cơ quan đơn vị di dời ra ngoại thành. Đáng tiếc, sau khi di dời, có đất, nhưng có thể sẽ lại mọc lên những chung cư cao tầng, những trung tâm thương mại đem lại nhiều lợi nhuận trước mắt.

Ngày 13/9/1958, trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn, đến dự và phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo Người, trẻ em chính là tương lai dân tộc, tương lai đất nước. Những gì tốt đẹp nhất đều dành cho trẻ em.

Đủ trường lớp cho học sinh cũng là nằm trong ý nghĩa ấy. Và trách nhiệm phải thuộc về chính quyền địa phương các cấp.

Nam Việt