Phát huy vai trò doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài
Ngày 8/5, diễn ra “Tọa đàm quốc tế vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15”.
Bà Trần Tuệ Tri - người Việt ở Singapore, cố vấn Cấp cao Việt Nam Brand Purpose đánh giá, hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo của TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững cũng như có nhiều bước tiến phát triển được đánh giá cao như: vườn ươm, trung tâm hỗ trợ startup, các trường đại học… Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, TPHCM cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn, đặc biệt cần tập trung về “chất” chứ không chỉ về “lượng”.
Theo bà Tri, có thể tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98 để phát huy hết tiềm năng trên, tạo nên những đột phá trong đổi mới sáng tạo và thúc đẩy động lực tăng trưởng của thành phố. “Chúng ta cần xây dựng nền tảng căn bản của hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo. Kết nối, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên thế giới nhằm xây dựng các chương trình đào tạo tập trung trong lĩnh vực xanh, chip bán dẫn và các chương trình phát triển khởi nghiệp” - bà Tri đề nghị.
Bà Cấn Thanh Huyền - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (E-Future) cho rằng, TPHCM là một trung tâm kinh tế năng động, với tiềm năng lớn về phát triển trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và năng lượng sạch... Trong khi đó, các quỹ đầu tư Nhật Bản có nguồn vốn dồi dào và kinh nghiệm đầu tư phong phú, do đó phía Nhật Bản hoàn toàn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp TPHCM tiếp cận thị trường nước này và quốc tế.
Vì vậy các doanh nghiệp TPHCM cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư Nhật Bản, cũng như cần nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư Nhật Bản để phát triển. “Chúng tôi mong muốn, mạng lưới của E-Future sẽ trở thành cầu nối vững chắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là TPHCM. Và với sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư ở họ sẽ giúp các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tại TPHCM tiếp cận được các nguồn lực cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ cao” - bà Huyền nói.
Ông Lâm Chí Thiện - doanh nhân, người Việt Nam tại Mỹ cho biết, những năm qua, cơ chế về cư trú dành cho kiều bào được thông thoáng hơn đã giúp cho họ cảm thấy thuận lợi, yên tâm hơn trong việc trở về quê hương đầu tư, đáp ứng được tâm lý “an cư lạc nghiệp” của người Việt. Theo ông Thiện, hiện nguồn lực lớn nhất là lượng kiều hối chiếm tỉ lệ cao, riêng TPHCM năm qua đạt gần 10 tỷ USD. Để thu hút được nguồn lực của kiều bào về TPHCM, thành phố phải tạo ra cơ chế thuận lợi, nhất là trong đầu tư thì mới tạo được sự hấp dẫn các doanh nhân kiều bào. “Khi đã thuận lợi thì không chỉ đầu tư mà họ còn có thể kết nối thông qua mạng lưới, đối tác của họ ở nước ngoài để đưa nguồn vốn, khoa học - công nghệ về thành phố. Như vậy, khi nguồn đầu tư lớn sẽ kéo theo hạ tầng, kinh tế - xã hội sẽ phát triển” - ông Thiện kỳ vọng.
Ông Peter Hồng - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, từ khi có Nghị quyết 98, ông tự hỏi rằng, những người Việt Nam ở nước ngoài cần làm gì để đóng góp gì cho thành phố theo cơ chế đặc thù? Riêng cá nhân ông mong muốn được tham gia phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Peter Hồng, hiện vẫn còn quá nhiều tồn tại cần giải quyết, trong đó vướng mắc lớn nhất là Nghị quyết đã cho làm nhưng cơ chế lại cản trở đến việc đầu tư, cống hiến của người Việt ở nước ngoài, nhất là các doanh nhân kiều bào. Từ đó, ông Peter Hồng đề nghị Trung ương cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để thành phố triển khai Nghị quyết 98 nhằm tạo “lối mở” cho kiều bào cống hiến.
Các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM với vốn dự kiến hàng chục nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 98, bao gồm: Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.