Trừ điểm giấy phép lái xe: Thời điểm đã chín muồi
Điểm mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định trừ điểm đối với giấy phép lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện quy định trên.
Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm cụ thể bị trừ tương ứng với từng trường hợp vi phạm và sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết 12 điểm và tài xế không bị trừ điểm thêm lần nào trong 12 tháng gần nhất, sẽ được phục hồi đủ số điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Cục Cảnh sát giao thông tổ chức. Khi học xong, đạt kết quả thì bằng lái được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi. Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, đây là quy định nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và khá hiệu quả. Đây gần như là một sự “nhắc nhở” đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khi bị trừ hết điểm thì phải kiểm tra lại. Từ đó người điều khiển phương tiện giao thông phải đắn đo, cẩn trọng trong điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ông Trường nói thêm rằng: Bên cạnh ban hành Luật thì cách quản trị cũng phải siết chặt kỷ cương từ chính các cơ quan và người thực thi pháp luật chứ không riêng gì người dân.
Theo phân tích của ông Trường, hiện các nước đạt được văn minh giao thông như hiện nay thì họ đã phải trải qua giai đoạn gập ghềnh nhiều năm. Chúng ta đang đi những bước gập ghềnh như vậy nên khó tránh những bất cập. Nhưng bây giờ đã hơn 23 năm kể từ khi có Luật Giao thông đường bộ (trước năm 2001 là Nghị định) thì hiện nay kinh tế - xã hội và nhận thức xã hội đã khác xưa. Cho nên bây giờ đủ điều kiện để thực hiện và siết chặt lại kỷ cương trong vấn đề giao thông. “Như lòng đường và vỉa hè ở các đô thị là chỉ dành cho giao thông. Nhưng Hà Nội và TPHCM câu chuyện giành lại vỉa hè, lòng đường cho người tham gia giao thông là “cuộc chiến không cân sức”, không có hồi kết, thua thiệt luôn thuộc về người dân, người đi bộ, người khuyết tật khi vỉa vè bị lấn chiếm kinh doanh” - ông Trường nói và cho rằng: Luật cần có các chế tài đủ mạnh, người cố tình vi phạm pháp luật về giao thông không những chịu thiệt về tính mạng và sức khoẻ mà còn phải chịu trách nhiệm pháp luật với việc mà mình gây ra. Ví như người đi bộ không đúng chỗ, xảy ra tai nạn thì không những thiệt hại về bản thân mà còn phải đền bù thiệt hại cho người điều khiển phương tiện giao thông, vì bị hỏng xe do xảy ra tai nạn. Không thể “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày” như trước kia nữa.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, đây là quy định một số nước đã làm, là một trong những biện pháp để phòng ngừa tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ông Thanh kiến nghị bảng điểm để trừ cần gắn liền với số của giấy phép lái xe để quản lý hiệu quả, không nên phát hành riêng bảng điểm. Khi cấp giấy phép lái xe kèm theo một bảng điểm có số bảng điểm trùng với số giấy phép lái xe. Đến khi bảng bị trừ hết điểm thì thi lại giấy phép lái xe. Như vậy sẽ tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân.
Ông Thanh lưu ý, hiệu quả của tất cả các quy định đều do người thực thi pháp luật có nghiêm túc hay không?. Nếu đưa ra quy định mà không thực hiện nghiêm túc, có tiêu cực thì hiệu quả của pháp luật sẽ không nghiêm. Do đó bên cạnh chế tài đặt ra cần phải giám sát việc thực thi pháp luật. Như việc cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã đem lại kết quả rất tốt.
Bà Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Công an. Bà Sửu nói rằng: Đây là vấn đề để nâng cao chất lượng, ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thời nâng cao vài trò quản lý nhà nước của cơ quan Công an.
“Cấp giấp phép lái xe để sử dụng đúng mục đích, quyền hạn chứ không phải điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm pháp luật, hoặc không đảm bảo an toàn. Việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử lý hành chính mà mang tính răn đe, giáo dục là chính để nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông”- bà Sửu nói và cho hay khi người dân tuân thủ pháp luật và có ý thức cao thì tai nạn giao thông sẽ được giảm thiểu.
Dự kiến, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thảo luận, và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.