Sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức linh hoạt?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi nội dung đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng lao động đóng tối đa 1% lương tháng, chủ sử dụng đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng trên tổng số lao động đang tham gia BHTN. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% từ ngân sách.
Không cố định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Luật hiện hành quy định lao động và chủ doanh nghiệp (DN) đóng cố định vào Quỹ mỗi tháng 1% tiền lương và tổng quỹ lương. Đây là chế độ bù đắp một phần thu nhập của lao động khi mất việc, hỗ trợ học nghề, duy trì hoặc tìm việc làm mới. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi nội dung đóng BHTN theo hướng lao động đóng tối đa 1% lương tháng, chủ sử dụng đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng trên tổng số lao động đang tham gia BHTN. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% từ ngân sách.
Lý giải nguyên nhân đề xuất đóng BHTN theo hướng linh hoạt, Bộ LĐTBXH cho rằng, hiện Quỹ BHTN hiện kết dư lớn. Trong khi đó, luật quy định đóng cứng nhắc, chưa tính tới yếu tố tác động của thiên tai, dịch bệnh. Thực tế khi đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, vì thế doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trên thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021, Nghị quyết số 24/2022 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN.
Trong đó, quỹ đã hỗ trợ 346.664 đơn vị với trên 11,98 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 12,96 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022, Quỹ BHTN đã hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHTN cho biết: Năm 2022 cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia BHTN, tăng gần 930.000 người so với cùng kỳ. Tổng số tiền thu giảm gần 2.600 tỷ đồng (khoảng 15%), đạt 14.420 tỷ đồng trong khi số chi khoảng 19.700 tỷ đồng. Kết dư Quỹ BHTN đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỷ đồng, năm 2023 tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng.
Kiến nghị giảm mức đóng
Theo các DN và người lao động, việc linh hoạt mức đóng BHTN là cần thiết tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay DN cũng như người lao động đều gặp khó khăn do vậy việc giảm mức đóng BHTN là cần thiết. Theo đó, góp ý cho nội dung BHTN trong Dự thảo luật Việc làm sửa đổi, nhiều DN và người lao động liên tục đề xuất giảm mức đóng, tăng mức hưởng.
Cụ thể hiệp hội DN đã đề xuất giảm mức đóng BHTN của chủ sử dụng lao động xuống 0,5% và lao động 0,5% thay vì cố định như hiện hành. Còn phía người lao động kiến nghị tăng tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp vì cho rằng mức hưởng trên 60% bình quân tiền lương đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc như hiện nay là quá thấp. Cụ thể đóng góp ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng tỷ lệ đóng BHTN cho người sử dụng lao động và người lao động vẫn cao, tối đa 1% tiền lương tháng.
“Việc linh hoạt tỷ lệ đóng BHTN là một trong những giải pháp để tránh cho Quỹ BHTN kết dư quá nhiều. Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện nay của BHTN chưa phù hợp với tình hình hiện tại, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kết dư này” - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đề xuất. Đồng thời cho biết, quỹ hỗ trợ về thu nhập cho người lao động bị thất nghiệp, nhưng hiện nay nhu cầu tuyển lao động tại các DN nhiều, nên người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, nên cũng không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ quỹ. Hay quỹ hỗ trợ về đào tạo cho DN nhưng thủ tục phức tạp, nên thực tế DN cũng không nhận được khoản hỗ trợ này…
Vì vậy, các DN kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động xuống còn 0,5%, và điều chỉnh tỷ lệ đóng BHTN trong Luật BHXH theo quy định này. Dù vậy, Ban soạn thảo chưa tính tới điều chỉnh mức hưởng trợ cấp khi sửa luật lần này.
Chính sách BHTN thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được coi là công cụ "chống sốc" cho nền kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".