Kinh tế

Nâng cao chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

NGUYÊN DU 10/05/2024 08:11

Ngày 9/5, tại huyện Phước Long, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua và triển khai nhiệm vụ 2024 - 2025”.

anhbaiduoi.jpg
Thu hoạch lúa trên cánh đồng ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Xuất nhập Khẩu (Bộ Công thương), Hiệp Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cùng các công ty, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã nêu lên thực trạng, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả trong liên kết tiêu thụ nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu, ngành hàng lúa gạo và thủy sản của tỉnh đang phát triển tốt, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng được nâng lên. Nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, dần thay đổi tư duy, không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nông dân chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Qua liên kết sản xuất đã hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm, quy mô cánh đồng lớn sản xuất từ 1 - 2 giống lúa/cánh đồng. Trên từng cánh đồng, nông dân tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ chi phí cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa hàng hóa đầu ra ổn định. Đặc biệt, giảm được mức độ rủi ro do thương lái ép giá và giá lúa được thu mua cao hơn.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bạc Liêu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đạt được một số kết quả cụ thể như: cây lúa có tỷ lệ bao tiêu cao nhất với trên 93.600ha, chiếm 48,88% diện tích gieo trồng; còn lại rau màu, và con tôm có liên kết nhưng chưa nhiều, chỉ có 7,20% diện tích gieo trồng màu được thực hiện liên kết, còn con tôm, việc liên kết chỉ chiếm tỷ lệ 2,53% diện tích.

Ông Hồ Quang Cua, chủ DN Hồ Quang của tỉnh Sóc Trăng, cha đẻ của 2 giống lúa nổi tiến ST 24, ST 25 cho biết: Tỉnh Bạc Liêu có nhiều điều kiện để thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản, nhất là đối với cây lúa, con tôm. Tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng thành công thương hiệu nông sản Bạc Liêu thông qua mô hình sản xuất hữu cơ “lúa thơm – tôm sạch” theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả liên kết trong tiêu thụ nông sản, ông Cua đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm tăng cường quản lý chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng thương hiệu nông sản.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường…

NGUYÊN DU