Nông sản tăng giảm trái chiều
Đầu tháng 5/2024, nhiều loại nông sản ở miền Tây Nam bộ như sầu riêng, lúa gạo bất ngờ giảm giá sâu khiến nông dân khá bất ngờ, trong khi một số loại nông sản khác như dừa, thanh long lại ngược chiều tăng giá mạnh.
Tiếp đà giảm từ tháng 4/2024, khoảng 2 tuần trở lại đây, giá sầu riêng ở miền Tây Nam bộ tiếp tục xu thế giảm dù không nhiều. Tuy nhiên, so với hồi đầu năm, giá sầu riêng chỉ còn khoảng một nửa.
Chị Nguyễn Thị Tiên, 41 tuổi ở xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), chủ một vườn sầu riêng (hơn 400 gốc) Ri6 cho biết, hiện giá sầu riêng chỉ dao động ở mức từ 50.000 tới 75.000 đồng/kg. “Sầu riêng Ri6 loại 1 có 3,5-5 hộc (múi) thì thương lái thu mua với giá khoảng trên 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu phân loại thì rất mệt cho nhà vườn vì khó bán. Trong khi đó, bán xô cả vườn thì giá chỉ dao động khoảng 50.000 tới 55.000 đồng/kg. Đây là mức giá bao gồm cả tiền công cắt, vận chuyển rồi đó. Nhìn chung so với mấy năm trước, giá sầu riêng như vậy cũng là cao nhưng so với năm nay, đây là mức giá thấp. Hồi năm ngoái sầu riêng lên 150.000/kg, nhiều nhà vườn ở đây khấp khởi mừng thầm vì nghĩ sẽ kiếm bộn nhưng rồi hạn mặn khiến năng suất sầu riêng giảm, giờ giá cũng giảm nữa nên so ra cũng chẳng lời nhiều đâu” - chị Tiên chia sẻ.
Cũng theo chị Tiên, dù biết khi vào chính vụ thu hoạch, biết giá sầu riêng sẽ giảm nhưng nhiều nông dân vẫn khá bất ngờ vì giá giảm nhiều, điều đó khiến cho lợi nhuận của nông dân cũng bị hao hụt theo. Được biết, vài năm qua, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất khu vực miền Tây Nam bộ với khoảng 22.000ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương là huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy… Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài sầu riêng thì lúa gạo thời gian qua ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng giảm nhiều so với hồi đầu năm. Mặc dù vậy, với mức giá từ 7.000 tới 9.000 đồng/kg, nhiều nông dân vẫn thu lợi nhuận tốt từ nghề trồng lúa.
Trái ngược với người trồng sầu riêng, hai loại trái cây khá bình dân là dừa và thanh long đang thu lãi lớn nhờ giá tăng cao. Cụ thể, khoảng 2 tháng trở lại đây, giá dừa tươi ở Bến Tre, Trà Vinh liên tục tăng cao và dễ bán, khiến nông dân rất vui mừng. Cụ thể, hiện giá dừa tươi ở tỉnh Bến Tre được thu mua với mức 100.000 tới 120.000 đồng/chục (12 trái). Thực tế, giá dừa tươi tăng cao không quá bất ngờ do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ tăng và sản lượng cũng không dồi dào. Cuối năm 2023, giá dừa tươi nhiều thời điểm xuống thấp chỉ khoảng 35.000 tới 40.000 đồng/chục. Vì vậy, khi giá dừa đảo chiều tăng cao như hiện nay đã mang tới niềm vui cho nông dân ở khu vực miền Tây Nam bộ.
Ngoài Bến Tre được coi là thủ phủ dừa thì loại trái cây này cũng được trồng rải rác ở các tỉnh như Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Theo dự báo, giá dừa thời gian tới có thể sẽ biến động nhưng vẫn ở mức cao so với những năm trước. Bởi ngoài sản phẩm dừa tươi, ít tháng tới, nhu cầu tiêu thụ dừa khô để chế biến các sản phẩm phục vụ cuối năm cũng sẽ giữ nhu cầu dừa ở mức cao.
Tương tự dừa là thanh long, loại trái cây đang có giá cao và được trồng nhiều ở Long An, Tiền Giang. Theo anh Nguyễn Văn Thông, 51 tuổi, chủ một vườn thanh long ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), khoảng gần 2 tháng trở lại đây, giá thanh long đều ở mức cao, dễ bán. Nhiều thương lái chạy vào tận vườn đặt cọc, hẹn ngày thu mua. Ngoài nguyên nhân trái mùa, diện tích thanh long giảm trong vài năm qua cũng đẩy giá trái cây này lên cao. “Giá thanh long ruột đỏ loại 1 từ 35.000 tới 40.000 đồng/kg trong khi giá thanh long ruột trắng cũng dao động ở mức 25.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao với người trồng thanh long, đặc biệt là giai đoạn nắng nóng, thời tiết thuận lợi cho cây thanh long, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Sau mấy năm, đây là lúc người trồng thanh long vui mừng nhất. Ở đây nhiều nhà đã đóng cọc, trồng thanh long trở lại” - anh Thông cho biết thêm.
Người nông dân hiện nay bên cạnh việc sản xuất nông sản cũng cần có thêm nhiều thông tin về thị trường để tiêu thụ sản phẩm một cách tốt nhất. Thậm chí, cả những tin tức trên thế giới cũng ít nhiều ảnh hưởng tới giá nông sản, nguồn thu của nông dân bởi, nhiều loại nông sản chủ lực ở miền Tây Nam bộ đều phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.