Giáo dục

Rộng cửa vào sư phạm

Thu Hương 10/05/2024 08:34

Theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vị trí việc làm của sinh viên sư phạm rất đa dạng, như: Giảng viên các trường đại học có ngành sư phạm hoặc ngoài sư phạm, giáo viên phổ thông; các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục... Điều này cho thấy, cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm rộng mở, vượt xa suy nghĩ ban đầu của phụ huynh, học sinh.

anh-thay-moi.jpg
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trong buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: ĐHSPHN.

Tại Ngày hội giới thiệu việc làm do Trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện bộ phận tuyển dụng Vinschool thông tin, hệ thống giáo dục này đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 giáo viên (GV) mầm non và khoảng 30 GV trợ giảng các cấp từ tiểu học đến THPT cho năm học tới. Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh viên thực tập đang học năm thứ 3 ĐH để tham gia thực tập vào năm tới.

Đa dạng cơ hội việc làm

Theo bà Thu, với nhóm GV mầm non, đơn vị tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm, sinh viên tốt nghiệp có thể đi làm luôn. Riêng với GV từ tiểu học đến THPT sẽ yêu cầu ứng viên có ít nhất từ 1-2 năm kinh nghiệm ở các vị trí tương đương. Nhóm vị trí thực tập, trợ giảng cũng chính là GV nguồn trong tương lai. Sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng được yêu cầu công việc, những ứng viên này sẽ có cơ hội trở thành GV chính thức tại hệ thống.

Với GV trợ giảng, bà Thu cho biết, mức lương trả tùy theo năng lực của ứng viên. Với nhóm sinh viên thực tập, nhà trường sẽ có một bài khảo sát, nếu sinh viên vượt qua kỳ khảo sát sẽ được hỗ trợ kinh phí hàng tháng. Trường hợp sinh viên không vượt qua phần khảo sát đó vẫn có thể thực tập bình thường theo chương trình nhà trường.

Đại diện Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) thông tin, trường đang cần tuyển 10 vị trí việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm có cơ hội ứng tuyển vào vị trí như: GV trợ giảng, hướng dẫn STEM, hỗ trợ hệ song ngữ...

Bên cạnh cơ hội rộng mở đối với khối trường tư thục, hiện nay tình trạng thiếu GV đang diễn ra trong hệ thống giáo dục công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 GV Tin học và 5.780 GV Ngoại ngữ; cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 GV; môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 GV; môn Nghệ thuật thiếu 4.321 GV.

Trước đó, kết quả điều tra, khảo sát thực tế ý kiến của cán bộ quản lý (theo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình GDPT 2018) thì đội ngũ GV tại các trường học hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% số lượng và chất lượng. Việc thiếu GV làm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác và sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định. Số lượng GV chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu GV diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn tích hợp, môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.

Vì vậy, với những cử nhân sư phạm đã, đang và sắp ra trường, cơ hội việc làm rất rộng mở. Theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (bao gồm các ngành trong và ngoài sư phạm) năm 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 96,1%.

TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, chọn ngành học cũng căn cứ vào cơ hội việc làm sau khi ra trường. Với ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Thắng cho hay, sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo này có vị trí việc làm đa dạng như: GV; cán bộ quản lý giáo dục; cán bộ khuyến nông; cán bộ nghiên cứu. Nơi làm việc cũng rất đa dạng tại: trường THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH, trung tâm giáo dục, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…

GV Công nghệ là một trong số ít GV bộ môn các trường phổ thông đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... Vì thế hoàn toàn đáp ứng được vị trí việc làm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở các địa phương.

anhbaitren(4).jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong Ngày hội đổi sách 2024. Ảnh: NTCC.

Đáp ứng yêu cầu thị trường

Sinh viên theo học ngành sư phạm, ngoài việc được hỗ trợ 100% tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020 của Chính phủ, tùy từng trường còn có các chính sách học bổng khác nhau. Đơn cử, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thể nhận được học bổng khuyến khích học tập, học bổng của các nhà tài trợ, học bổng thủ khoa, á khoa đầu vào; có cơ hội được đi thực tập hưởng lương tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… theo các chương trình hợp tác của Học viện với mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng…

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Theo TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội và đặc biệt là trong giáo dục. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng lớn, tạo nên bước ngoặt phát triển cho giáo dục. Trong ngành giáo dục, đặc biệt là sinh viên sư phạm, những người GV trong tương lai cần phải nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, nhà tuyển dụng lao động cần người có năng lực và tạo ra năng suất lao động cao. Sinh viên ngay từ khi đi học, đi thực tập cần phải làm quen với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện nay. Từ đó, có nhận thức đúng đắn và có góc nhìn thời đại để bản thân sẽ trở thành những người GV số, công dân số toàn cầu trong tương lai, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà.

Các trường sư phạm đứng trước yêu cầu này cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, về cơ bản, chương trình đào tạo ngành Sư phạm ở cùng một môn học ở tất cả các trường đều giống nhau về nền tảng kiến thức cơ bản, còn những mảng kiến thức khác sẽ được lồng ghép vào trong nội dung học để làm nổi bật ưu điểm của mỗi trường. Đây chính là tạo nên sự khác biệt của mỗi trường, cũng làm tăng thêm cơ hội việc làm, sự cạnh tranh của các cử nhân sư phạm sau khi tốt nghiệp lựa chọn được nơi làm việc phù hợp với kiến thức, chuyên môn đã được đào tạo.

Đặc biệt, việc các trường mở thêm những ngành mới đáp ứng yêu cầu nhân lực thiếu hụt hiện nay ở một số môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… là rất phù hợp, nhưng đồng thời cũng cần cân nhắc về cơ hội việc làm của các sinh viên sư phạm những ngành không có dự báo thiếu GV, chủ yếu là các đơn môn trong Chương trình GDPT 2006.

Chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu sử dụng

anh-box.jpg

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020 “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116). Với ngành khác, các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo, nhưng riêng ngành sư phạm phải thực hiện chỉ tiêu do Bộ GDĐT đặt ra. Chỉ tiêu này được xác định dựa trên 2 yếu tố quan trọng là nhu cầu sử dụng của địa phương và năng lực đào tạo các trường. Trên cơ sở 63 tỉnh, thành báo cáo, Bộ GDĐT mới giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Như vậy khả năng có việc làm của sinh viên sư phạm là rất cao. Bởi chỉ tiêu đào tạo ra sát với nhu cầu sử dụng của các địa phương. Theo Nghị định 116, ngoài việc không phải đóng học phí, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, sau khi ra trường, các em phải làm trong ngành Giáo dục, nếu không phải bồi hoàn chi phí cho Nhà nước.

Hàn Minh

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh ngành sư phạm

Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định còn có 2 phương thức xét tuyển khác là kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, đáng chú ý, trường quy định điều kiện đăng ký xét tuyển ở nhiều phương thức, yêu cầu thí sinh phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện: Có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi; có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên mới được nộp hồ sơ. Đối với xét tuyển thí sinh là học sinh lớp chuyên, chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 và có học lực lớp 12 chuyên xếp loại Giỏi. Đối với ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất, thí sinh phải tham gia kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức và phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024, đồng thời phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện: Học lực lớp 12 xếp loại Giỏi; điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Thu Hương