Gỡ khó cho nghề muối
Bạc Liêu là địa phương có diện tích muối lớn của cả nước với gần 1.400ha. Tuy nhiên, phương thức sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ khiến năng suất, chất lượng muối không cao, thu nhập của người làm muối rất thấp.
Diện tích thu hẹp dần
Nghề muối ở Bạc Liêu đã có từ rất lâu. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu nổi tiếng khắp xa gần bởi có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát. Dù vậy, nhưng nghề làm muối vẫn rất khó khăn, diêm dân không sống được bằng nghề. Nhiều người bỏ nghề, diện tích làm muối cũng dần bị thu hẹp.
Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất muối, đến năm 2022 sản xuất chỉ còn 1.411ha.
Ông Nguyễn Văn Diện ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình chia sẻ: “Nghề muối rất vất vả khi hoàn toàn phải trông chờ vào thiên nhiên, năm nào nắng đều thì sản lượng khá, nếu mưa nhiều là mất vụ. Đời sống của diêm dân vì thế vẫn mãi bấp bênh”.
Tương tự, ông Lâm Văn Tiễn, diêm dân xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải cho biết, vụ muối vừa rồi, gia đình ông sản xuất khoảng 1ha. Do năm nay thời tiết thuận lợi, mưa cắt sớm, nắng to nên việc sản xuất muối cũng sớm hơn. Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân cũng phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Thế nhưng, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm cũng chỉ thu nhập không quá 100.000 đồng” - ông Tiễn than thở.
Cùng với giá cả bấp bênh, còn có khó khăn khác của nghề muối đó là việc huy động các nguồn lực khoa học công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất ngành muối còn nhiều hạn chế.
Ông Hồ Minh Chiến - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải chia sẻ, để áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch muối đòi hỏi diêm dân phải sản xuất muối theo mô hình công nghệ trải bạt, chi phí đầu tư bạt mỗi héc - ta là 700 triệu đồng. Ưu điểm của sản xuất theo mô hình này là năng suất đạt rất cao, vì muối kết tinh nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch, chất lượng muối cũng tốt hơn so với sản xuất truyền thống, giá bán cũng cao. “Hiệu quả là vậy, nhưng việc sản xuất muối theo mô hình trải bạt tại Bạc Liêu đến nay chưa được nhân rộng. Cái khó đối với diêm dân chính là chi phí đầu tư lớn” - ông Chiến cho biết.
Theo ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải - địa phương sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, vụ mùa năm 2023 - 2024 của huyện hơn 1.300 ha/744 hộ. Qua khảo sát chỉ có 7% diện tích sản xuất muối trải bạt trên địa bàn thực hiện mô hình trải bạt. Khó khăn đối với nghề muối hiện nay là phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa trái mùa, giá cả thị trường luôn biến động.
Tìm hướng đi bền vững cho nghề
Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng diêm dân chưa thể giàu lên từ muối.
Hiện tại, Bạc Liêu có 2 nhà máy chế biến muối có tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm. Tuy nhiên, mỗi năm 2 doanh nghiệp này chỉ tiêu thụ khoảng 10% sản lượng muối của toàn tỉnh.
Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề muối tại Bạc Liêu đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm mưa trái mùa xuất hiện ngày càng nhiều trong vụ mùa sản xuất muối, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm. Cùng với đó là việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống...
Để phát triển ngành muối, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 - 2025 đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải) với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, Dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 15km đường giao thông và thay mới 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, duy trì diện tích sản xuất muối 1.500ha, sản lượng muối đạt 66.000 tấn/năm.