Xã hội

Qua cửa Thần Phù

NGUYỄN CHUNG 12/05/2024 09:38

Cửa Thần Phù tọa lạc tại xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Riêng cái tên thôi cũng đủ gợi trí tưởng tượng, tò mò cho lữ khách về những câu chuyện mang đậm màu liêu trai, còn ẩn trong lòng một vùng danh thắng.

anh-bo-sung-tr-10-sao-chep.jpg
Cửa đền Thần Phù mặt hướng ra sông Càn. Ảnh: Nguyễn Chung.

Một vùng địa linh

Dãy núi đá vôi kéo dài từ huyện Nho Quan (Ninh Bình), sau khi dựng thành vách tạo nên con đèo Tam Điệp hiểm trở đã cùng dòng sông Càn song song, xuôi về hướng Đông. Ở điểm cuối, khi núi, sông hòa vào với biển, bàn tay của tạo hóa đã khéo sắp đặt nên một cửa Thần Phù hùng vĩ và thơ mộng. Có lẽ do hình dòng sông, thế núi mà ở đây từ ngày này sang năm khác, gió cùng với sóng lồng lộn như đàn ngựa, ầm ào đuổi nhau rồi va mãi vào bờ bãi…

Đứng trên đỉnh núi Đó - nơi có đền thờ Áp Lãng Chân Nhân La Viện và tượng thiền sư Nguyễn Minh Không nhìn xuống, con đường ven biển nối huyện Nga Sơn với vùng đất Kim Sơn, Ninh Bình chỉ như một nét vẽ màu chì, chạy len lỏi giữa những rặng núi đá vôi xám ngắt. Điểm vào giữa bức tranh khoáng đạt ấy là màu thâm nâu của mái Hàn Sơn Tự - ngôi chùa cổ đã có tuổi đời lên đến hơn 300 năm nằm nép mình dưới bóng đa cổ thụ.

Phóng tầm mắt ra xa hơn về phía biển, vẫn là núi non xếp lớp điệp trùng, cuồn cuộn xô lệch như những con sóng đã hóa đá từ nghìn năm trước.

Ông Bùi Văn Thái - người làng Chính Đại, xã Nga Điền kể cho tôi về những sự tích mang đậm màu sắc liêu trai. Với ông, những câu chuyện xung quanh cửa biển Thần Phù không chỉ đơn thuần là một vùng thắng tích mang vẻ đẹp hoang sơ mà còn là nơi chiến địa, từng chứng kiến những dâu bể, can qua của lịch sử dựng và giữ nước của nhiều triều đại.

Rồi như một sử gia, ông bắt đầu câu chuyện về vùng đất này: "Cửa biển Thần Phù hay còn có tên gọi khác là cửa Thần Đầu, vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Chỗ mà anh và tôi đang đứng chân lúc này khi xưa là cửa biển, ngày nay phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10 km".

“Có phải từ những câu chuyện xung quanh vùng đất thiêng này mà người xưa đã đặt hai câu ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”, để răn dạy cháu con đời sau thưa ông?”- tôi cắt ngang dòng suy tưởng của ông Thái.

“Đúng thế! Cửa Thần Phù là vùng hiểm địa, linh ứng. Kẻ làm điều ác có thể giấu được đời, được người nhưng không giấu và tránh được sự trừng phạt của thần, Phật. Các cụ xưa đã xem đây như một cửa ải, một thứ thước đo cho sự thẳng ngay của lòng người. Câu ca dao còn là sự khuyến thiện, răn dạy người đời nên chăm chỉ tu nhân, tích đức, sửa mình để chèo lái con thuyền cuộc đời qua cửa biển trần gian”- ông Thái chiêm nghiệm.

than-phu-2.jpg
Ông Bùi Văn Thái bên đền thờ Áp Lãng Chân Nhân La Viện. Ảnh: Nguyễn Chung.

Tiềm năng bị lãng quên

Trên đỉnh núi Đó, tôi đã cố hình dung ra đâu là nơi đội quân xâm lược của Chiêm Thành cùng phò mã Ngô Nhật Khánh bị sóng gió cửa thần nhấn chìm, đâu là hình bóng của Áp Lãng Chân Nhân La Viện, đè đầu con sóng lớn, phò vua đuổi giặc…

Nhưng chỉ có đá xám xếp lớp và mây trời vẫn lồng lộng như bay về từ nghìn năm trước. Trải qua bao cuộc bể dâu, cửa Thần Phù xưa giờ đã nhường chỗ cho xóm làng trù mật, nằm len lỏi giữa thung lũng núi đá vôi cứ rộng dần lên về phía biển.

Dẫn tôi đến phiến đá có tạc bài thơ “Qua cửa biển Thần Phù” của Nguyễn Trãi, được dựng ngay ngắn trước cổng đền thờ Áp Lãng Chân Nhân La Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Điền Đinh Văn Ấn kể: Từ chùa Hàn Sơn, theo sông Càn ngược lên phía Tây khoảng 3 km có động Lục Vân, nằm ở lưng chừng dãy núi. Tại đây, có một chữ “Thần” được tạc sâu vào chính giữa một vách núi dựng đứng và bằng phẳng, rộng chừng 3 m, cao khoảng 3,5 m, nét chữ mềm mại, tinh xảo dù được khắc trên vách đá cheo leo.

Ai là chủ nhân và đã tạc khắc bằng cách nào cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Bên cạnh đó, ở các vách núi trong động vẫn còn khắc lưu lại những vần thơ họa cảnh của các tao nhân mặc khách mỗi khi có dịp ghé qua. Mấy năm trước, Ban Quản lý di tích vẫn có một chiếc thuyền máy để đưa các đoàn tham quan theo sông Càn lên động thăm thú, nghiên cứu nhưng từ năm ngoái chiếc thuyền bị hỏng mà chưa có kinh phí sửa chữa nên đành bỏ.

“Đây là một vùng thắng tích không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên còn nhiều hoang sơ mà ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Chỉ tiếc rằng, di tích chưa nhận được sự quan tâm đúng tầm. Nếu được đầu tư, những giá trị về du lịch văn hóa tâm linh sẽ được đánh thức. Tôi tin, đây sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái”- ông Ấn bày tỏ.

Trong chuyến qua cửa Thần Phù này, ông Bùi Văn Thái nói với tôi rằng: Về sự linh ứng, cửa Thần Phù còn sánh ngang với những vùng đất thiêng khác.

Cửa Thần Phù đẹp thì đã là điều không phải bàn thêm, nhưng về sự linh thiêng theo cách ông và người dân ở đây vẫn nói đến, tôi nghĩ đấy đơn thuần là một đức tin - một thứ đức tin trong trẻo, lương thiện đã góp phần bảo vệ làm đẹp thêm cho một vùng sơn trầm, thủy mặc.

NGUYỄN CHUNG