Mùa mưa, lại lo ngập lụt
Xây dựng hệ thống bản đồ ngập lụt tương ứng với các “kịch bản mưa” là một trong những giải pháp của UBND TP Hà Nội nhằm bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Tuy nhiên, người Hà Nội không chỉ lo ngập lụt khi mưa to, mà còn lo về nạn ô nhiễm các dòng sông nội thành khiến những dòng sông ấy không còn gánh vác nổi nhiệm vụ thoát nước “giải cứu” thành phố.
Theo “kịch bản mưa” 2024, thì mùa hè này nếu với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h, nội thành Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập. Lượng mưa từ 50 - 70mm/h sẽ có 11 điểm úng ngập. Với những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Với nội thành, các con sông còn làm chức năng tiêu thoát nước khi mưa xuống. Tuy nhiên, hầu hết đều rơi vào tình trạng bùn lắng khiến đáy sông bị hạ thấp, hạn chế khả năng là “cống lộ thiên” tiêu thoát nước. Nhiều năm qua, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... kể cả sông Nhuệ, sông Đáy đều trong tình trạng đó.
Cùng với việc các dòng sông “không chảy”, thì việc bê-tông hóa quá mạnh mẽ cũng khiến nước mưa không ngấm xuống đất một cách tự nhiên, mà tụ lại gây úng ngập.
Nói riêng sông Tô Lịch, dòng sông từng rất nổi tiếng, chảy trong nội thành Hà Nội. Rất nhiều đề án đã được đưa ra để cứu dòng sông. Nhưng nhiều năm qua dòng sông đã biến thành cống nước đen lộ thiên.
Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông được nạo vét và kè hai bên bờ vào năm 2003. Nhưng đến nay, từ trên cao nhìn xuống, dòng sông như một vệt màu đen vắt qua thành phố. Ước tính, mỗi ngày sông Tô Lịch hứng 150.000 mét khối nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra. Chỉ tính đoạn chảy qua phường Kim Giang, trên khúc sông dài hơn 1km từ cầu Mới, Ngã Tư Sở đến số nhà 260 Khương Đình, có tới gần 40 cống xả thải trực tiếp.
Tương tự, lưu vực sông Nhuệ có 2.521 nguồn thải, trong đó 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề. Còn với sông Kim Ngưu, trung bình cứ 1km lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp.
Tham vọng hồi sinh những dòng sông vẫn không ngăn nổi tình trạng những dòng sông đang "chết". Hiện tại, mức độ ô nhiễm tại các con sông nội thành Hà Nội không mấy cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Để “giải cứu và hồi sinh” những dòng sông, Hà Nội đã có nhiều chủ trương. Mới nhất là việc HĐND thành phố thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nhấn là việc "hồi sinh" sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Trước đó, dự án khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi 2 lần sang năm 2022 và mốc mới nhất là 2025.
Nhân đây cũng cần nói về đề xuất xây dựng 2 đập dâng điều tiết mực nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến khởi công giai đoạn 2026-2030. Trong đó có việc lấy nước từ sông Hồng điều tiết nước của các dòng sông nội thành Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng không nên vì tốn kém lại không khả thi. Nhưng cũng không ít nhà khoa học thủy lợi lại cho là nên làm.
Theo GS.TS Trương Đình Dụ - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, thì 2 đập dâng sẽ đưa lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, để chậm xây dựng ngày nào là thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân ngày đó. Có nhiều phương án để lựa chọn tùy khả năng đầu tư, kể cả phương án bán vĩnh cửu, thi công nhanh, đầu tư ít nhưng hiệu quả. Không nên để chậm tới năm 2030.
Trong khi vẫn có nhiều bàn cãi thì mùa mưa năm nay cũng sắp bắt đầu, còn việc ngập úng nhiều khu vực nội đô Hà Nội thì đã tồn tại rất nhiều năm. Mùa mưa đến, người Hà Nội không chỉ lo ngập úng với cảnh những dòng người chôn chân trong mưa do tắc đường; hoặc là tìm mọi cách để vượt qua được những đoạn phố đã biến thành sông. Người Hà Nội còn lo không biết đến bao giờ những con sông chảy trong nội đô được cải tạo, vừa thoát khỏi cảnh ô nhiễm vừa làm nhiệm vụ thoát nước.
Chẳng lẽ nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến sẽ không bao giờ chấm dứt?