Chính trị

Hà Nội thúc tiến độ các công trình trọng điểm

Ngọc Quang 13/05/2024 08:26

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 143 chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố.

anh-bai-tren-ben-phai.jpg
Một đoạn dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang thi công. Nguồn: PLVN.

Tổng nguồn kế hoạch 5 năm của toàn thành phố đến nay là: 340.153 tỷ đồng, gồm: cấp thành phố 254.316 tỷ đồng; cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để hoàn thành kế hoạch trung hạn, khối lượng công việc phải triển khai từ nay đến hết năm 2025 còn nhiều, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể, 65 dự án đã được dự kiến nguồn vốn để triển khai nhưng đến nay chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; 178 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án. Cùng với đó, kết quả giải ngân các dự án cấp thành phố chưa cao, nhiều công trình chậm tiến độ đặc biệt là các công trình trọng điểm, nhiều dự án còn khó khăn, vướng mắc.

Về các dự án cấp thành phố trong lĩnh vực giao thông, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội triển khai 242 dự án với kế hoạch vốn trên 124.000 tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng vốn bố trí cho mọi lĩnh vực. Trong đó, 53 đã hoàn thành, hiện thành phố đang triển khai 143 dự án. Còn lại 46 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chưa phê duyệt dự án.

Đáng chú ý, trong năm 2024, thành phố phấn đấu khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến tổng mức đầu tư 16.100 tỷ đồng) vào quý IV/2024. Đồng thời, phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) để khởi công năm 2026.

Về việc chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai dự kiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định năm 2025. Đây đều là các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp.

Với dự án đường sắt đô thị tuyến 3.1, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chưa hoàn tất thủ tục gia hạn. Vướng mắc trong quá trình nghiệm thu hoàn thành đoạn trên cao do chưa thống nhất phương án liên quan đến đào tạo, bàn giao. Bên cạnh đó, vướng mắc do chưa có định mức đơn giá đối với các hạng mục, thiết bị đường sắt đô thị, các điều khoản Hợp đồng FIDIC chưa phù hợp với quy định Việt Nam.

Với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án chưa đi vào thực hiện do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, hiện còn lại khoảng 21,02ha (13,25ha đất ở, 925/1.125 hộ; 7,77ha đất nông nghiệp), đất bổ sung của các hạng mục cải mương, vuốt nối, di chuyển cột điện cao thế chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng; 259 mộ chí chưa di chuyển. Các địa phương đang tiến hành xây dựng các khu tái định cư nhưng chưa hoàn thành xong. Công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương thực hiện còn chậm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai thi công. Hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500kV có khối lượng vật tư thu hồi là rất lớn (40 cột cao thế, hơn 40.000m dây và các phụ kiện kèm theo) nhưng chưa có hướng dẫn việc xử lý vật tư thu hồi đảm bảo đúng quy định

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND thành phố sớm để có chỉ đạo và điều hành phù hợp...

Thông tin từ Sở GTVT TPHCM, đến năm 2035, thành phố sẽ có 183km đường sắt đô thị (metro), đến năm 2045 sẽ có 351km metro và đến năm 2060 sẽ đạt tổng cộng 510km metro với tổng nguồn vốn đầu tư 824 nghìn tỷ đồng, tương đương 34,39 tỷ USD. Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36km nâng tổng chiều dài lên 351,081 km. Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến nâng tổng chiều dài lên 510,02km. Bao gồm: tuyến số 8 - 42,8km; số 9 - 28,31km; số 10 - 87,84km.

Ngọc Quang