Hà Nội ghi nhận ca viêm não mô cầu đầu tiên
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố vừa ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024.
Cụ thể, đây là trường hợp bệnh nhân nam (22 tuổi, ở thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt, có cơn rét run. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở ô xy, chống co giật, kháng sinh.
Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ C, lơ mơ, cứng gáy… Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính với não mô cầu.
Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như doanh trại, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ, nhà máy, công sở… Bệnh não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh nguy hiểm khi gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Ngoài ra, cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng như: Liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu, khoảng 50% bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu cũng rất tốn kém và phải sử dụng nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc về sau cho người bệnh tàn tật.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc cao, lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não mô cầu các nhóm khác nhau.
Vi khuẩn não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim... Trong đó, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh thường gặp và diễn tiến đột ngột nhất, có thể dẫn tới tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Để phòng bệnh do não mô cầu, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, nhất là người mắc các bệnh lý mạn tính cần tiêm vaccine phòng ngừa sớm. Các nhóm huyết thanh phòng các chủng gây viêm màng não không phòng ngừa chéo, nên dù trẻ đã được chủng ngừa nhóm B vẫn hoàn toàn có thể nhiễm nhóm A, C, Y và W. Do đó, ngoài tiêm vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B, người dân vẫn cần chú ý tiêm thêm vaccine phòng nhóm A, C, Y và W.
Trước đó, từ tháng 2/2024 Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn Dược phẩm GSK (Anh) chính thức ra mắt và triển khai tiêm vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra. Như vậy, sau gần 40 năm kể từ khi vaccine phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, C (của Cuba) ra đời trên thế giới và đưa vào sử dụng, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có thêm một loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu nhóm B tương tự, được sản xuất theo công nghệ mới, tăng hiệu quả bảo vệ và độ an toàn. Và ngay trong ngày đầu tiên triển khai, VNVC đã tiêm vaccine phòng viêm não mô cầu nói trên cho hàng nghìn trẻ em và người lớn trên toàn quốc.
BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, Việt Nam đã có vaccine phòng ngừa đầy đủ 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy cơ cao gây bệnh, bao gồm: Vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Ý, nhóm BC (Mengoc BC) của Cuba và nhóm A, C, Y, W-135 (Menactra) của Mỹ. Hiện VNVC cũng là hệ thống tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam có vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới Bexsero và là hệ thống tiêm chủng duy nhất có đầy đủ cả 3 loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu B, BC, ACYW-135 tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.