Vàng được đấu thầu với giá 88 triệu đồng/lượng đã hợp lý?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng với giá tham chiếu tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao hơn giá vàng mua vào của các doanh nghiệp trên thị trường hôm nay. Nếu như doanh nghiệp trúng thầu với mức giá tối thiểu này, thì mức giá vàng được đưa ra bán cho người dân vẫn tiếp tục ở đỉnh cao.
NHNN vừa thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày 14/5. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào của doanh nghiệp trên thị trường hôm nay.
Thay đổi đáng chú ý nhất của phiên đấu thầu ngày mai là khối lượng đấu thầu tối thiểu giảm xuống còn 5 lô, tương đương 500 lượng, giảm 200 lượng so với phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 8/5 khối lượng đấu thầu tối thiểu 700 lượng). Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên đặt phép đặt thấu tăng mạnh từ 20 lô (2.000 lượng) lên 40 lô (4.000 lượng).
Giới chuyên gia cũng như nhiều người dân quan tâm về thị trường vàng và đấu thầu vàng khẳng định, mức giá đấu thầu 88 triệu đồng/ lượng mà NHNN đưa ra là quá cao. Khi NHNN chào bán giá cao, DN tham gia đấu thầu cũng phải mua với giá cao thì buộc phải bán ra giá cao để có lãi.
Tại phiên đấu thầu ngày 8/5, giá vàng miếng được NHNN mời thầu là 86 triệu, thì hai hôm sau ngày 10/5 giá vàng ở ngoài thị trường biến động tăng mạnh đạt đỉnh 92 triệu đồng/ lượng. Do vậy với mức giá chào gọi thầu 88 triệu đồng/ lượng, giá vàng mà DN tham gia đấu thầu nếu mua được từ NHNN, sau đó bán ra thị trường chắc chắn sẽ cao. Mục tiêu tăng cung vàng ra thị trường thông qua công tác đấu thầu, để kéo giảm chênh lệch giá vàng sẽ khó đạt được. Với giá vàng đấu thầu cao như hiện nay, doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh.
Giới chuyên gia cũng cho rằng nên mở rộng nhập khẩu vàng. Việt Nam có thể không tác động được đến sự "nhảy múa" của giá vàng thế giới nhưng ít nhất có thể khiến giá vàng Việt Nam "nhảy" cùng nhịp với vàng thế giới thay vì "nhảy điên loạn theo 1 nhịp điệu vừa qua".
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, NHNN đã tổ chức đấu thầu tăng cung vàng, nhưng hình thức cung hàng phải phù hợp.
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua, NHNN có tổ chức tăng cung nhưng cũng chưa tới, bởi lượng giao dịch lớn nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia đấu thầu chỉ có 1 - 2. “Như vậy nhu cầu có thật hay không? Ngân hàng Nhà nước phải có đánh giá", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Trên thị trường, sau khi giảm mạnh tới trên dưới 3 triệu đồng mỗi lượng vào đầu giờ sáng, giá vàng SJC đã hồi phục một phần. Đến 15h chiều nay, mức giảm cho thương hiệu vàng này là khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, theo đó, giá giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đang là 87,5 – 90,00 triệu đồng/lượng.