Hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy cho hộ gia đình
Để hướng dẫn người dân chủ động trong phòng, chống cháy nổ và nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng, Bộ Công an giới thiệu Bộ Tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho hộ gia đình.
Theo đó, trách nhiệm của Chủ hộ gia đình là phải đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ. Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ; thực hiện bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn đối với hộ gia đình và khu dân cư.
Về trách nhiệm của các cá nhân trong hộ gia đình cũng được nêu rõ, gồm: Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng; Bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC; Thực hiện bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn đối với hộ gia đình và khu dân cư.
Ngoài ra, nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh thì ngoài việc thực hiện điều kiện an toàn như đối với nhà ở hộ gia đình, phải thực hiện các nội dung như: Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa các khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Các điều kiện về an toàn PCCC phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Đối với chủ hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định về điều kiện PCCC đối với cơ sở.
Đáng chú ý, để phòng cháy trong sinh hoạt hàng ngày người dân cần quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), nguồn nhiệt, hệ thống điện và thiết bị điện. Sắp xếp đồ vật, vật tư, hàng hóa gọn gàng, tránh gây cháy lan và cản trở lối thoát nạn; để chất dẫn cháy cách xa nơi đun nấu, nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Không buôn bán, tàng trữ trái phép hàng hóa, chất dễ cháy, nổ…. Trong trường hợp cần thiết: Sử dụng, dự trữ xăng dầu, khí đốt… phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì chỉ nên dự trữ một số lượng đủ dùng, không quá nhiều và phải bảo quản ở khu vực riêng biệt, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và tránh nhầm, lẫn trong quá trình sử dụng.
Lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ gas (nếu dùng gas), thiết bị cảnh báo cháy sớm; trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu cho gia đình như bình chữa cháy, các phương tiện CNCH để có thể thoát nạn khi gặp các sự cố cháy, nổ như: đèn pin, búa, rìu, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm… Mỗi nhà ở hộ gia đình cần có tối thiểu 2 lối thoát nạn và các phương án thoát nạn để mỗi thành viên trong gia đình khi có sự cố đều có thể thoát nạn an toàn. Giáo dục, nhắc nhở trẻ em không chơi đùa, nghịch lửa, diêm…