Kinh tế

Kiểm toán nhà nước giúp các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước

Thái Nhung 14/05/2024 13:01

Việc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) là nhiệm vụ quan trọng giúp chính quyền địa phương tăng cường, hoàn thiện công tác quản lý ngân sách, giúp các cơ quan trung ương nắm bắt thực trạng quản lý ngân sách, giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND của các tỉnh, thành phố có thông tin phục vụ giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, hoạch định các chính sách về ngân sách.

Bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước

Với đặc thù nội dung kiểm toán liên quan đến việc quản lý, điều hành ngân sách của các tỉnh, thành phố với 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) và mang tính thường xuyên, trong 30 năm qua, lĩnh vực kiểm toán NSĐP đã có nhiều phát hiện, đóng góp cho kết quả chung của toàn ngành. Bên cạnh các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách tại các địa phương, bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Đồng thời, các kiến nghị kiểm toán cũng tạo điệu kiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi pháp luật, góp phần quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương. Giúp các địa phương có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về thực trạng tài chính, chất lượng công tác quản lý, điều hành NSNN, kịp thời phòng ngừa, pháp hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý NSNN, góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, KTNN có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát về tài chính, tài sản công, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình và thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho thành phố Hà Nội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý tài chính, ngân sách nói riêng, giúp thành phố hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao. Đặc biệt, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã giúp Hà Nội nhận diện những vấn đề còn hạn chế, có sai sót, cung cấp thông tin tin cậy, chính xác và có tính pháp lý để thành phố có sơ sở quyết nghị những vấn đề, chủ trương, chính sách lớn, chấn chỉnh những hoạt động còn vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn.

img_8960.jpg
Lãnh đạo KTNN và Thành phố Hà Nội bày tỏ kỳ vọng việc ký Quy chế phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND Thành phố Hà Nội sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp giữa hai bên.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã hỗ trợ tỉnh hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Trên cơ sở kiến nghị của KTNN, HĐND tỉnh tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành NSĐP hàng năm. Hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định - ông Hoàng đánh giá.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, trên cơ sở các kiến nghị của KTNN, địa phương đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, bởi đây không chỉ là quy định mang tính pháp luật mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Tăng cường phối hợp, nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Hàng năm, KTNN đều gửi báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để tăng cường phối hợp trong công tác lập kế hoạch, triển khai kiểm toán và đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, trong các năm 2023-2024, KTNN đã thực hiện sơ kết và triển khai ký Quy chế phối hợp công tác/thỏa thuận hợp tác hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó, sự phối hợp giữa KTNN với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

img_8962.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (đứng giữa) và lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam ký Quy chế phối hợp công tác.

Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố quy định sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành NSĐP theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thống nhất trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động kiểm toán, hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý, điều hành NSĐP và kết quả hoạt động kiểm toán. Đồng thời, phối hợp tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo, tập huấn; tổ chức giao ban định kỳ hàng năm giữa KTNN với HĐND, UBND tỉnh, thành phố.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương, phát triển kinh tế bền vững.

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, thời gian qua, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với tỉnh Bình Định rất sát đáng, giúp địa phương thực hiện tốt và kịp thời chấn chỉnh việc phân bổ, giao dự toán, điều hành ngân sách, từng bước hạn chế bất cập trong điều hành NSĐP. Đồng thời, tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN với tỷ lệ cao, năm 2020 thực hiện được 98% và 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Thành ủy đã đưa việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thành một nội dung để Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Thành ủy theo dõi, chỉ đạo định kỳ. Kết quả việc thực hiện kiến nghị kiểm toán phải báo cáo hàng quý trước Ban Thường vụ Thành ủy.

img_8961.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (ngồi giữa) và lãnh đạo HĐND, UBND TP. Đà Nẵng ký Quy chế phối hợp công tác.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hàng năm sát và đúng; Xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “gọn nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường phối hợp với KTNN trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

"KTNN sẽ ban hành hướng dẫn các đơn vị trong ngành đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp đối với những tình huống đặc biệt; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN và các địa phương cần phối hợp trong việc xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về trường hợp tham nhũng" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.

Thái Nhung