Giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đạt 99,5%
Ngày 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tới dự phiên họp còn có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Tại phiên họp, báo cáo về Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Tuy nhiên, việc trả lời kiến nghị cử tri cũng còn một số hạn chế. Đơn cử, cử tri tỉnh Bình Thuận phản ánh về việc, hiện nay đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đã thông xe nhưng các tuyến đường dân sinh của địa phương bị hư hỏng nặng do lưu lượng lớn xe vận chuyển vật liệu thi công đường cao tốc này vẫn chưa được khắc phục tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Trả lời cử tri, Bộ Giao thông vận tải thông tin về việc các nhà thầu thi công đang thực hiện sửa chữa và sẽ hoàn thành việc sửa chữa tháng 1/2024.
Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 3/2024, các nhà thầu thi công về cơ bản đã sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường bị hư hỏng, đảm bảo việc đi lại của người dân nhưng hiện nay vẫn còn 1 tuyến đường nhà thầu thi công đang thống nhất với địa phương về phương án sửa chữa. Ngoài ra, có 2 tuyến đã được các nhà thầu thi công sửa chữa nhưng chất lượng chưa đảm bảo.
Để giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành việc sửa chữa, hoàn trả toàn bộ các tuyến đường dân sinh tại tỉnh Bình Thuận bị hư hỏng khi vận chuyển vật liệu thi công đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Sửa chữa lại 2 tuyến đường đã sửa chữa, hoàn trả nhưng chưa đảm bảo chất lượng.
Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện cho hay, vẫn còn tình trạng giải quyết kiến nghị cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành Trung ương. Theo đó, cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ tiêu chí yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát theo nhiệm vụ được giao tại mục 2, Chỉ thị số 23 ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin mạng cho thiết bị camera giám sát (Chỉ thị 23).
Trả lời cử tri, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu: Bộ đã ban hành Quyết định số 736 ngày 31/5/2021 ban hành danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng (Quyết định số 736), các tiêu chí thuộc Quyết định này cũng được áp dụng cho thiết bị camera giám sát.
Qua giám sát cho thấy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết, trả lời cử tri là chưa phù hợp. Cụ thể, tại mục 2, Chỉ thị số 23, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ tiêu chí yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, thời hạn hoàn thành: tháng 3/2023.
Việc Bộ viện dẫn Quyết định số 736 để xác định tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cho camera giám sát là không phù hợp. Quyết định số 736 mà Bộ Thông tin và Truyền thông viện dẫn áp dụng được ban hành ngày 31/5/2021, trước khi Chỉ thị số 23 ra đời gần 19 tháng. Bên cạnh đó, Quyết định số 536 ban hành danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng, là thiết bị kết nối mạng (hoặc có thể kết nối mạng) có mối quan hệ với các dịch vụ liên kết, được người tiêu dùng sử dụng trong gia đình hoặc làm thiết bị đeo điện tử mà không phải tiêu chí riêng được áp dụng cho camera giám sát.
Tiếp thu kiến nghị qua giám sát, ngày 7/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát tại Quyết định số 724/QĐ-BTTTT.
Cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc giáo viên các trường học mầm non, các trường tiểu học, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Tân Uyên phải dạy thêm giờ do thiếu giáo viên nhưng không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 ngày 8/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Thông tư liên tịch số 07).
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại nêu: chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07 và đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo theo quy định. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm rõ về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên tại thành phố Tân Uyên không được hưởng lương dạy thêm giờ để đưa ra giải pháp giải quyết KNCT.
Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát việc thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên trên địa bàn huyện Tân Uyên, cần làm rõ nguyên nhân không thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, trên cơ sở đó có giải pháp để giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.