Mặt trận

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam: Cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam

Vũ Mạnh - Tiến Đạt 15/05/2024 12:18

Sáng 15/5 tại Hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội đồng tư vấn đã có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị.

img_5568.jpg
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt.

Góp ý kiến vào Báo cáo chính trị, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng cần bổ sung thêm vấn đề "kiểm soát quyền lực nhà nước".

Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định cho các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có vai trò của MTTQ Việt Nam thông qua giám sát và phản biện xã hội. Nhưng đến nay, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước tuy đã ra đời bằng việc thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam về giám sát và phản biện xã hội, nhưng quy định chưa đầy đủ trình tự, thủ tục hiệu lực cũng như trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát và phản biện xã hội.

“Trong điều kiện thực hiện quản trị quốc gia thay cho quản lý nhà nước, cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, đồng thời bổ sung nhiệm vụ tham gia, thậm chí trực tiếp thực hiện việc hoạch định chính sách” ông Tuấn đề xuất.

Nêu ý kiến xung quanh các chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ tới, ông Tuấn cho rằng, đối với chức năng phản biện, không nên chỉ dừng lại ở việc phản biện xã hội các dự thảo văn bản mà phải tiến hành phản biện xã hội các văn bản đã ban hành, bởi quá trình thực hiện mới phát sinh các bất cập hoặc thực hiện trong thời gian dài cần sửa đổi cho phù hợp.

Bên cạnh đó, trong điều kiện đang ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay để đồng hành cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước và đời sống xã hội, thực hiện tốt vai trò nòng cốt quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì phải xác định rõ chỉ tiêu nhiệm kỳ tới phải đạt 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

img_5564.jpg
Ông Trần Đình Phùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt.

Nêu ý kiến, ông Trần Đình Phùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X cần nhấn mạnh hơn về việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, công tác dân tộc, tôn giáo, kiều bào. Trong vấn đề phát huy vai trò của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát và phản biện xã hội cần có thêm nội dung và kết quả thực hiện, từ đó góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo ông Trần Đình Phùng, về nhiệm vụ trọng tâm, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước để Mặt trận thực sự làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

"Cần chú ý cách diễn đạt trong báo cáo rõ ràng và sâu sắc hơn, đồng thời bổ sung hoạt động của các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư theo chức năng, nhiệm vụ được giao", ông Phùng góp ý.

img_5572.jpg
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt.

Nhấn mạnh vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là rất quan trọng, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, MTTQ mỗi cấp đều đề ra chương trình hành động cụ thể, nhưng nơi gắn với nhân dân là Ban Công tác Mặt trận. Theo cơ cấu tổ chức, Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp chính quyền, không phải là một cấp Mặt trận, nhưng lại nằm dưới Tổ dân phố. Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay, rất nhiều chung cư được xây dựng, số lượng hộ gia đình ngày một tăng, do đó cần xem xét có phụ cấp cho Trưởng ban Công tác Mặt trận.

“Hiện nay Nhà nước còn ít quan tâm đến đối tượng này. Sát dân nhất, trực tiếp với dân nhất trong tất cả cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước là Ban Công tác Mặt trận. Trong 6 chương trình hành động tại dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X cần lưu ý đến nội dung về Ban Công tác Mặt trận”, ông Thường kiến nghị.

Vũ Mạnh - Tiến Đạt