Xã hội

Cảnh báo mưa lớn ở Bắc bộ gây ngập lụt vùng trũng

K.Huyền 15/05/2024 18:48

Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ ngập úng tại các khu đô thị. Mưa dông có thể đi kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, khoảng 16 giờ chiều ngày 15/5, Hà Nội bắt đầu xảy ra mưa lớn, khiến nhiều người dân bất ngờ phải trú mưa dưới gầm cầu đường vành đai 3
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, khoảng 16 giờ chiều ngày 15/5, Hà Nội bắt đầu xảy ra mưa lớn, khiến nhiều người dân bất ngờ phải trú mưa dưới gầm cầu đường vành đai 3. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và radar thời tiết, lúc 17h chiều 15/5, mây đối lưu gây mưa hoạt động trên khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai. Các vùng mây đối lưu này sau đó có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang phía đông và đông bắc.

Chiều tối và đêm nay (15/5), nhiều quận huyện khác của Hà Nội như Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng cũng xuất hiện mưa rào và có thể có dông. Vùng mưa dông còn có khả năng lan sang quận, huyện khác, kèm nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 16/5, mưa dông duy trì, miền Bắc giảm nhiệt nhẹ, chuyển mát. Tổng lượng mưa trong 24 giờ ở các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa phổ biến 40-70mm. Một số nơi mưa rất lớn trên 120mm. Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, mưa dông xuất hiện với lượng nhỏ hơn, dao động 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Từ chiều tối 15/5 đến đêm 16/5, mưa rào và dông cũng gia tăng tại Tây Nguyên, Nam Bộ. Vũ lượng ở các khu vực này phổ biến 15-30mm, có nơi trên 70mm. Lúc này, nắng nóng chấm dứt ở hai khu vực trên.

Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ ngập úng tại các khu đô thị. Mưa dông có thể đi kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo chi tiết các khu vực ngày 16/5:

Phía Tây Bắc Bộ: Mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 27-30 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ: Mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 27-30 độ C.

Hà Nội: Mưa rào và dông, cục bộ mưa to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-25 độ C, cao nhất 28-30 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Mưa rào và dông vài nơi, riêng phía bắc mưa dông rải rác, cục bộ mưa rất to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 30-33 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Đêm mưa rào kèm dông vài nơi. Ngày nắng, có nơi nắng nóng. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C.

Tây Nguyên: Mưa rào và dông vài nơi, chiều tối mưa dông rải rác, cục bộ mưa to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C; cao nhất 31-34 độ C.

Nam Bộ: Mưa rào và dông vài nơi, chiều tối mưa dông rải rác, cục bộ mưa to. Đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Kỹ năng và biện pháp phòng, chống lốc, sét, mưa đá

Theo TTXVN, hiện tượng dông, sét, mưa đá đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và của tại một số địa phương. Mưa đá với kích thước hạt đá lớn, rơi với tốc độ nhanh từ trên trời có thể gây nguy hiểm khi đi ngoài trời, gây hư hỏng mái nhà, thiệt hại cho hoa màu. Do đó, việc phổ biến rộng rãi các biện pháp để mọi người biết cách phòng, chống dông, sét, mưa đá là cần thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, đề phòng rủi ro do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể. Đối với những khu vực tập trung đông người, khu du lịch; các cơ quan chức năng chủ động cắt tỉa cây xanh trong đô thị để đảm bảo an toàn...; chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở, sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân các nội dung như biện pháp tránh, trú đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét và gia cố nhà ở, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai…

Phương pháp xác định vị trí của sét đó là cảm nhận cơ thể khi đang ở khu vực dông, mưa. Nếu thấy lông tay, tóc rung lên thì người dân đang có nguy cơ bị sét đánh. Người dân cần lưu ý khi có dấu hiệu cơn dông như mây đen, không khí lạnh và gió mạnh thì tìm nơi trú ẩn hoặc ở trong nhà không nên ra ngoài đường, không chạy cùng hướng với đường đi của cơn dông, lốc.

Người dân đang ở trong nhà cần đóng chặt và cài cửa ra vào, cửa sổ, núp dưới các vật nặng như gầm bàn, gầm giường, đề phòng lốc xoáy; nên trú ẩn vào những nơi chắc chắn. Đối với khu vực trường học, học sinh không trú ẩn ở những nơi như nhà để xe, thư viện...

Người dân chú ý hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có dông, sét; trừ trường hợp cần thiết; tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước vì đó là các vật dễ bị sét đánh lan truyền; ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn, tắt cắt tạm thời các thiết bị điện; không đứng gần hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và không được ở trên nóc nhà hoặc cây cối.

Người dân cần dùng các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tìm nơi thấp hơn, khô ráo để tránh; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, trạm biến áp, cột điện đường dây điện,… bởi vì chúng là những thứ thu hút sét.

Người dân không đứng thành nhóm người gần nhau tránh sét đánh lan. Trong trường hợp không thể tìm nơi trú ẩn, để phòng tránh sét, người dân nên tìm chỗ khô ráo, có vị trí càng thấp càng tốt. Hai tay bịt tai để tránh ảnh hưởng đến thính giác. Hai bàn tay chụm vào nhau và nhón chân lên để giảm tiếp xúc với mặt đất, không nằm sát xuống đất. Bên cạnh mối nguy hiểm trên, mưa đá còn có thể mang tới những mối nguy hại khác chẳng hạn mang theo độc tố, acid…

Nếu đám mây được hình thành từ những vùng nước độc, môi trường không sạch, những chất bẩn trong nước mưa có thể làm hại da người, gây dị ứng. Vì vậy, trước khi sử dụng nguồn nước có nhiễm nước mưa đá, người dân nên lấy mẫu nước, mang tới các trung tâm để kiểm tra chất lượng nước.

K.Huyền