Cuộc đua chất bán dẫn toàn cầu
Các siêu cường do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu đã chi gần 81 tỷ USD để tạo ra thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, làm leo thang cuộc cạnh tranh toàn cầu giành vị trí thống trị về chip.
Đầu tư mạnh tay
Đây là làn sóng đầu tư đầu tiên trị giá gần 380 tỷ USD mà các chính phủ trên toàn thế giới dành cho các công ty như Intel và Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) để thúc đẩy sản xuất các bộ vi xử lý mạnh hơn. Sự gia tăng này đã đẩy sự cạnh tranh do Washington dẫn đầu với Bắc Kinh về công nghệ tiên tiến đến một bước ngoặt quan trọng sẽ định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Dòng vốn lớn đã khiến cuộc đua trở nên gay gắt hơn ngay cả ở những nơi như Nhật Bản và Trung Đông. Nó cũng mang lại sự sống cho Intel, công ty dẫn đầu toàn cầu một thời về sản xuất chip mà gần đây đã mất vị thế vào tay các đối thủ Nvidia và TSMC.
Các kế hoạch đầu tư đã đạt đến thời điểm quan trọng ở Mỹ, nơi các quan chức vào tháng trước đã công bố khoản tài trợ trị giá 6,1 tỷ USD cho Micron Technology - nhà sản xuất chip nhớ máy tính lớn nhất của Mỹ. Đó là khoản tài trợ trị giá hàng tỷ đô la cuối cùng cho một cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ, giới hạn một loạt cam kết trị giá gần 33 tỷ USD cho các công ty bao gồm Intel, TSMC và Samsung Electronics.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở đầu nguồn tài trợ đó bằng Đạo luật Khoa học và Chips được ký năm 2022, hứa hẹn cấp tổng cộng 39 tỷ USD tài trợ cho các nhà sản xuất chip, được hỗ trợ bằng các khoản vay và bảo lãnh trị giá thêm 75 tỷ USD cộng với các khoản tín dụng thuế lên tới 25%.
Trọng tâm của nỗ lực đặt cược cao của Tổng thống Mỹ nhằm khôi phục hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước, đặc biệt là các loại chip hàng đầu và mang đến một loạt việc làm mới tại nhà máy. Những khoản đầu tư đó cũng nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi do nhà nước hỗ trợ trong nhiều thập kỷ từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, biến những nơi đó trở thành trung tâm của ngành công nghiệp chip.
Tương tự, việc chi tiêu quá mức đang thúc đẩy sự cạnh tranh giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á, tất cả đều theo đuổi một phần nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị hỗ trợ những tiến bộ trong AI và điện toán lượng tử.
Bùng nổ toàn cầu
Bên kia Đại Tây Dương, EU đã xây dựng kế hoạch trị giá 46,3 tỷ USD của riêng mình để mở rộng năng lực sản xuất địa phương. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, đầu tư công và tư vào lĩnh vực này sẽ đạt tổng cộng hơn 108 tỷ USD, chủ yếu hỗ trợ cho các địa điểm sản xuất lớn.
Hai dự án lớn nhất của EU đều ở Đức: một nhà máy của Intel được lên kế hoạch ở Magdeburg trị giá khoảng 36 tỷ USD và nhận được gần 11 tỷ USD tiền trợ cấp, và một liên doanh TSMC trị giá khoảng 11 tỷ USD, một nửa trong số đó sẽ được tài trợ bởi quỹ chính phủ.
Mặc dù vậy, Ủy ban Châu Âu (EC) vẫn chưa đưa ra phê duyệt cuối cùng về viện trợ nhà nước và các chuyên gia cảnh báo rằng, các khoản đầu tư của khối sẽ không đủ để đạt được mục tiêu sản xuất 20% chất bán dẫn của thế giới vào năm 2030.
Các nước châu Âu khác đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các dự án lớn hoặc thu hút các công ty. Tây Ban Nha tuyên bố vào năm 2022 rằng họ sẽ đầu tư gần 13 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn nhưng chỉ phân bổ một lượng nhỏ cho một số ít công ty do quốc gia này thiếu hệ sinh thái bán dẫn.
Các nền kinh tế mới nổi cũng đang tìm cách thâm nhập vào cuộc đua chip. Vào tháng 2, Ấn Độ đã phê duyệt các khoản đầu tư được hỗ trợ bởi quỹ chính phủ trị giá 10 tỷ USD, bao gồm cả gói thầu của Tập đoàn Tata để xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn đầu tiên của đất nước.
Tại Saudi Arabia, Quỹ đầu tư công đang nhắm đến một “khoản đầu tư lớn” không xác định trong năm nay để khởi động bước đột phá của vương quốc vào lĩnh vực bán dẫn khi nước này tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tại Nhật Bản, Bộ Thương mại đã đảm bảo khoảng 25,3 tỷ USD cho chiến dịch chip kể từ khi thành lập vào tháng 6/2021. Trong số tiền đó, 16,7 tỷ USD đã được phân bổ cho các dự án, bao gồm 2 nhà máy TSMC ở miền nam Kumamoto và một nhà máy khác ở phía bắc Hokkaido, nơi liên doanh cây nhà lá vườn của Nhật Bản, Rapidus, đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip logic 2 nanomet vào năm 2027.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang nhắm mục tiêu tổng vốn đầu tư 64,2 tỷ USD, bao gồm cả tiền từ khu vực tư nhân với mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh số bán chip sản xuất trong nước lên khoảng 96,3 tỷ USD vào năm 2030.
Ngược lại, Hàn Quốc đã tránh các khoản tài trợ và trợ cấp trực tiếp như những gì mà Mỹ và Nhật Bản đã áp dụng mà chỉ muốn đóng vai trò là người dẫn đường cho các chaebol có túi tiền dồi dào của mình. Trong lĩnh vực bán dẫn, chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò hỗ trợ trong khoản chi tiêu ước tính đạt 246 tỷ USD. Nỗ lực đó sẽ nhận được sự thúc đẩy từ chương trình chip trị giá 7,3 tỷ USD mà Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ sớm được công bố.
Một rủi ro làm lu mờ sự hỗ trợ ngày càng tăng của các chính phủ trên toàn cầu đối với chất bán dẫn đó là tình trạng dư thừa chip. Nhà phân tích Sara Russo của Bernstein cho biết: “Tất cả khoản đầu tư vào sản xuất chip được thúc đẩy bởi đầu tư công chứ không phải đầu tư theo định hướng thị trường cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều nguồn lực hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, rủi ro đó sẽ được giảm thiểu khi công suất mới đi vào hoạt động theo kế hoạch”.