Động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp
Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý, khi tính bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh (DN) nghiệp rút lui khỏi thị trường. Dù các đơn hàng xuất khẩu được duy trì nhưng DN lo ngại về quy định xuất khẩu liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay quy định chống phá rừng (EUDR)”.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) chia sẻ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2024 đạt 3,4 tỷ USD; tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9%. Để có kết quả này, ông Hoài đánh giá cao các chính sách đã được Chính phủ và nhiều bộ, ngành tạo ra, từ cơ chế để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đến những ưu đãi về tín dụng, tài chính…
Song theo ông Hoài, vẫn còn một số khâu liên quan thể chế, chi phí thực thi pháp luật còn “nan giải”. Đại diện VIFOREST cũng cho rằng hiện các DN xuất khẩu mới tham gia vào thị trường quốc tế với tư cách là DN, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia nên sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng xuất khẩu lại dựa nhiều vào một số lợi thế so sánh như chi phí đầu vào, nhân công thấp… Vì thế, vị này đề nghị cơ chế để DN hợp nhất, đồng lòng trong hợp tác, liên kết tạo sức mạnh nội khối, tránh rủi ro từ những tranh chấp hay phòng vệ thương mại.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC), quý I/2024 kinh tế Việt Nam khởi sắc, GDP đạt 5,66% nhưng còn những vướng mắc. Trong đó, ngành xây dựng dường như có nghịch lý là chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp xây dựng cao nhưng DN vẫn khó.
Theo ông Hiệp, nhiều công ty xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc không có việc làm. Đáng lo ngại, tình trạng nợ đọng mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Ông Hiệp dẫn chứng báo cáo tài chính từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho thấy: Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của tập đoàn là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), DN phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả là 15.156 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).
"Nhiều công ty xây dựng kêu nợ đọng. Công ty không có nợ đọng đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cần có cuộc cách mạng trong ngành xây dựng, xử lý mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu" - ông Hiệp kiến nghị.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho biết: Kinh tế toàn cầu và Việt Nam phát triển, tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục có sự đan xen cả khó khăn và thuận lợi. Với cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế - xã hội tích cực trong quý I/2024. Nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
Theo bà Minh, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế, giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Thời gian tới, cần đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02 năm 2024 của Chính phủ. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và DN ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác phát triển.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế - xã hội, đô thị lớn; sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng DN.
Đại diện CIEM cũng nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khu vực DN trong nước.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cải cách thể chế, đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới… không chỉ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và truyền thống mà còn lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng DN. Từ đó mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư…